Tối hôm ấy, từ quán cà phê ra về, chúng tôi chẳng làm gì cả, y như
những chàng hạ sĩ về hưu.
Đang mùa, nên không lúc nào ngớt khách du lịch. Họ kéo nhau xuống
hầm và bà cụ Henrouille đã đạt tới chỗ làm cho họ cười vui. Cha xứ tuy có
khó chịu chút ít về những câu bông đùa ấy nhưng ông nhận được thêm
phần khá hơn nên cũng nín thinh. Kể cũng đáng công xem và nghe bà cụ
Henrouille giữa những xác chết ấy. Bà cụ cùng với anh nhìn thẳng vào mặt
những xác chết, bà không còn sợ gì cái chết, bản thân bà, da dẻ nhăn nheo
héo quắt, thì cũng như đã nằm trong số họ, cầm cái đèn ba hoa cạnh những
cái gọi là khuôn mặt ấy.
Khi trở về nhà, quây quần trong bữa ăn tối, còn bàn cãi chán về các
khoản thu nhập, và rồi bà mẹ Henrouille gọi tôi là “chú Bác sĩ Chó rừng”
của bà, vì những chuyện đã diễn ra giữa chúng tôi ở Rancy. Tất nhiên chỉ là
để nói vui thế thôi. Madelon thì vất vả bận rộn trong bếp. Chỗ ở của chúng
tôi chỉ có một tí ánh sáng, đấy là gian phụ của kho để đồ thờ, rất chật chội,
đầy những kèo cột, xó xỉnh bụi bậm. Bà cụ bảo: “Dẫu cho có thể nói là lúc
nào trong nhà cũng tối om, thì mình vẫn còn thấy được cái giường, cái túi
và thấy được cái mồm mình nữa, thế là đầy đủ chán!”
Sau cái chết của con trai, bà cụ buồn không lâu. Một tối, bà kể với tôi
về chuyện này:
- Hắn là người luôn luôn khó tính, còn tôi, ông biết không, tuy đã ở
tuổi bảy mươi sáu mà tôi có kêu ca phàn nàn gì bao giờ đâu! Còn hắn thì
luôn mồm, có thế ví dụ như Robinson của ông, đúng là cùng một giuộc với
nhau, ừ mà cái cầu thang nhỏ trong hầm dốc lắm phải không?... Ông cũng
đã biết đấy chứ?... Tất nhiên là nó làm tôi phát mệt, nhưng có những ngày
nó đem lại cho tôi mỗi bậc là hai quan...
Tôi tính rồi... Vậy thì, với cái giá ấy, dẫu có phải leo lên đến tận giời,
tôi cũng leo!
Madelon cho rất nhiều gia vị vào bữa ăn, cả cà chua nữa. Thật là ngon.
Cả rượu vang phớt hồng. Đã đến miền Nam này thì ngay đến Robinson
cũng phải quen uống vang. Hắn đã kể cho tôi tất cả những gì xẩy ra từ khi
đến Toulouse. Tôi không còn để tai nghe hắn. Hắn thất vọng và ngán ngẩm