Hơn nữa chúng tôi không muốn chi phí tốn kém cho những trò tưởng
tượng. Cái phương thức của Baryton “cho bọn trẻ con ngớ ngẩn đi xem
chiếu bóng”
chúng tôi lo đủ. Việc tiết kiệm, viện không thực hiện chặt
chẽ lắm. Chúng tôi bảo nhau cứ hoang phí thì có khi lại buộc ông chủ phải
lo lắng mà quay về.
Chúng tôi mua một cái ắc-coóc để Robinson kéo cho bệnh nhân nhảy
ngoài vườn vào mùa hè. Ở Vigny thật khó mà khuây khỏa ngày đêm cho
các bệnh nnân. Chẳng lẽ lúc nào cũng đưa họ đi nhà thờ thì họ ngán lắm.
Chúng tôi không còn nhận được tin tức gì từ Toulouse, cha xứ Protiste
cũng không còn thấy trở lại gặp tôi. Cuộc sống ở viện trôi qua đơn điệu, vội
vã. Về mặt tinh thần, chúng tôi không thoải mái. Đó đây quá nhiều hồn ma.
Nhiều tháng trôi qua. Robinson thần sắc đã khá hơn. Đến kỳ Phục
sinh, đám bệnh nhân điên của chúng tôi nhộn nhạo hơn một chút. Các nữ
bệnh nhân mặc áo quần mỏng lượn lờ ngoài vườn. Mùa xuân đến sớm. Cho
uống bromure.
Ở rạp Tarapout, so với hồi tôi còn đóng những vai phụ, đã thay đổi
nhiều trong số các nhân viên. Các cô gái Anh đã bỏ đi rất xa rồi, người ta
cho tôi biết là sang tận Úc. Sẽ chẳng còn bao giờ gặp lại họ. Từ dạo có
chuyện giữa tôi với Tania, tôi không còn được bén mảng đến khu hậu
trường. Tôi cũng chẳng kèo nài.
Chúng tôi bắt đầu viết thư đi nhiều nơi, nhất là đến các lãnh sự quán
của các nước Bắc Âu để xem liệu có tin tức gì về Baryton qua các nơi đó
không. Nhưng không có hồi âm nào đáng kể.
Parapine cần mẫn và âm thầm làm trọn những nhiệm vụ kỹ thuật của
ông cùng với tôi. Từ hai mươi bốn tháng nay, ông ta không hé miệng nói
quá hai mươi câu. Thành ra tôi là người duy nhất phải lo thu xếp các công
việc hành chính và vật chất mà tình hình đòi hỏi hằng ngày. Cũng có lúc tôi
sai nhưng Parapine vẫn chẳng nói gì. Chúng tôi dửng dưng hợp tác với
nhau. Vả lại bệnh nhân lui tới khá đông, đủ để bệnh viện của chúng tôi
đứng vững về mặt kinh tế. Sau khi trang trải tiền nhà và các khoản, còn đủ