rất sinh động và sôi nổi. Vì giữa đêm hôm khuya khoắt ở cái thị xã
Noirceur chẳng còn ma nào thì lấy ai nữa để mà tranh cãi với ông ta... Đạo
lý, lòng yêu nước được cái ông thị trưởng ấy tìm đủ ngôn từ để đôn lên,
những bóng ma được ông níu giữ lại, nhưng ngay tức thì, những cái đó bị
mờ nhạt và thất bại bởi nỗi sợ hãi và lòng ích kỷ của chúng tôi, và còn bởi
cái sự thật không hơn không kém.
Tuy kiệt lực với những cố gắng thật là cảm động, ngài thị trưởng
Noirceur vẫn nồng nhiệt thuyết phục chúng tôi rằng cái Nghĩa vụ (viết hoa)
của chúng tôi là tốt hơn hết hãy cút ngay lập tức cho biệt tăm biệt tích đi,
tất nhiên không đến nỗi thô bạo như trung tá Pinçon ở đơn vị tôi nhưng rõ
ràng là cùng một kiểu dứt khoát. Cái chắc là hai đứa chúng tôi chẳng còn
có được gì để chống đối lại tất cả những sức mạnh đó, ngoài cái ham muốn
nhỏ nhoi của cả hai đứa là đừng phải chết và đừng phải hỏa thiêu. Ít ỏi thế
thôi, nhất là những cái đó lại không thế nói ra trong thời buổi chiến tranh
này. Vậy là chúng tôi phải quay sang các đường phố vắng khác. Rõ ràng là
tất cả những người tôi gặp đêm hôm ấy đã cho tôi thấy được lòng dạ của họ
thế nào.
Trong lúc hai đứa cùng đi, Robinson nhận xét:
-Cái vận của tớ nó thế đấy! Giả sử cậu là một thằng Đức, mà lại là một
thằng tốt bụng như cậu thì có thể tớ đã được bắt làm tù binh rồi và biết đâu
lại chẳng là việc hay... Ngẫm ra, trong chiến tranh, người ta tự loại bỏ mình
cũng khó thật!
-Thế còn cậu - tôi hỏi cậu ta - nếu cậu là một thằng Đức thì cậu cũng
không bắt tớ làm tù binh hay sao? Có thể là cậu được chúng nó thưởng
quân công bội tinh đấy! Cái tiếng Đức gọi quân công bội tinh chắc buồn
cười đây nhỉ?
Đi mãi, chẳng gặp được ai trên đường để bắt mình làm tù binh, chúng
tôi đành tìm đến cái ghế dài trên một công viên nho nhỏ và giở ra ăn hộp cá
ngừ của Robinson Léon bỏ túi quần hâm nóng suốt từ sáng đến giờ. Và
cũng đến bây giờ mới nghe thấy tiếng đại bác bắn ở rất xa, xa lắm. Giá mà
chúng nó cứ bên nào nguyên bên ấy và để cho mình được yên!