Nguyễn Văn Trung
Hành Trình Trí Thức Của Karl Marx
THỜI ĐẠI
Mác sinh ra ở một thời Âu-Châu bắt đầu bước vào cuộc phát triển kinh tế
nhanh chóng với sự hình thành của chủ nghĩa tư bản. Đó cũng là thời hình
thành những ý tưởng, lý thuyết xã hội bắt nguồn từ những thay đổi, xáo
trộn các nếp sống do chế độ tư bản gây ra.
Một biến cố chính trị đánh dấu sâu đậm thời trẻ này là cuộc cách mạng
Pháp, đã đánh đổ nền quân chủ và chế độ phong kiến để thiết lập một xã
hội trưởng giả phù hợp với nhu cầu lãnh đạo những phương thức sản xuất
mới.
Tuy nhiên nước Đức, so sánh với nước Anh và nước Pháp, chưa phải chứng
kiến sự tranh chấp quyết liệt giữa những lực lượng phong kiến đang tàn và
những lực lượng trưởng giả đang lên do sự phát triển kỹ nghệ gây nên, vì
nước Đức, dưới thời Frédéric II, vẫn còn, về căn bản, ở tình trạng phong
kiến, tiểu công nghệ và canh nông.
Dầu vậy, những ý tưởng của cách mạng Pháp cũng tràn sang Đức và ảnh
hưởng mạnh mẽ hơn cả ở giới trí thức, dần dần tạo ra một khuynh hướng tự
do, dân chủ, chính trị nhằm chống lại sự lệ thuộc nước Pháp, và chế độ
quân chủ Đức. Một tổ chức liên kết sinh viên được thành lập
"Burschnachaft" với sự tham gia của một số giáo sư cấp tiến. Tổ chức này
vừa thành lập đã bị thế lực quân chủ phong kiến thẳng tay đàn áp, vì chưa
dựa trên một tầng lớp xã hội nào (tầng lớp trưởng giả còn non yếu) nên tổ
chức bị tan rã; nhưng những phần tử trung kiên nhất lại lập ra một hội kín
lấy tên là "Hội đoàn những người không chịu khuất phục"
(Bunderundedingten) không ngần ngại dùng tới cả những biện pháp khủng
bố, ám sát.
Bị giải tán, đàn áp, phong trào đòi tự do, dân chủ chuyển sang phạm vi đấu
tranh chính trị bằng văn học. Một tổ chức gọi là "Nước Đức mới" được
thành lập do một nhóm nhà văn trẻ tuổi như Gutskow, Laube, Borne và
Heine nhằm mục đích chống lại những khuynh hướng lãng mạn, thoát ly