trong nghệ thuật và phản ảnh những khát vọng xã hội, chính trị của thời đại
mình bằng văn chương. Hai nhà văn tiêu biểu nhất của phong trào này là
Borne và Heine, cả hai đều phải sang trú ngụ ở Paris sau cách mạng 1830.
Họ muốn lấy nước Pháp dân chủ, tiến bộ chống lại nước Đức quân chủ, bảo
thủ. Borne đặc biệt chú ý tới những khát vọng chính trị. Ông mơ ước thành
lập một nền Cộng hòa, chấm dứt chế độ chuyên chế của vua chúa để thực
hiện những lý tưởng dân chủ bình đẳng mà có lẽ ông tiếp nhận được khi
ông dịch cuốn "Lời của một người tin" (Paroles d un croyant) của
Lammenais. Trái với Borne, H. Heine lại chú trọng nhiều đến những vấn đề
xã hội. Vấn đề cốt yếu, đối với Heine, không phải ở chỗ thiết lập một nền
cộng hòa thay thế quân chủ chuyên chế, nhưng là xóa bỏ những lầm than
xã hội như ông đã viết thư gửi cho Laube: "Anh hơn hẳn những người khác
đã chỉ thấy cái vẻ bề ngoài của cuộc cách mạng mà không hiểu những vấn
đề sâu xa liên hệ đến nó. Những vấn đề này không phải thuộc về hình thức
Quốc gia, nhân vật, cũng không phải thuộc về thiết lập một nền cộng hòa
hay hạn chế nền quân chủ, nhưng là có mực tiêu nâng cao đời sống vật
chất của dân chúng. Tôn giáo duy tâm, vẫn ngự trị từ trước đến nay, đã ích
lợi và cần thiết bao lâu đa số dân chúng còn sống trong cảnh lầm than và
thỏa mãn với những an ủi mà tôn giáo đem đến cho họ. Nhưng từ khi
những tiến bộ kỹ nghệ và kinh tế đã làm cho người ta có thể thoát khỏi sự
lầm than với hy vọng hạnh phúc ngay ở trên đời này, thì từ lúc đó anh hiểu
tôi và những người khác cũng hiểu chúng ta nữa, khi chúng ta nói với họ
rằng trong tương lai, họ sẽ được hằng ngày ăn thịt bò thay vì khoai tây, họ
sẽ làm việc ít hơn, và khiêu vũ nhiều hơn. Anh hãy tin điều đó đi, con người
ta không phải đàn lừa đâu".
H. Heine đã tin rằng có thể kết hợp cuộc cách mạng Pháp và tư tưởng triết
học Đức để thực hiện một cuộc cách mạng không những về chính trị và
tinh thần, mà còn cả về xã hội, thay đổi tận cơ cấu những nếp sống, chế lập
xã hội tôn giáo, nhà nước và giáo hội.
Phong trào "Nước Đức trẻ" gây ảnh hưởng trong văn giới, là một giới
thường lãnh đạm với những vấn đề xã hội, chính trị, nhưng khi nhận thấy
tính chất "nguy hại" của nó, các chính phủ Đức đã ra lệnh cấm bán sách