Ông bố tự do, phóng khoáng bao nhiêu thì bà mẹ bảo thủ, chật hẹp bấy
nhiêu. Bà mẹ của Mác là điển hình của con người trưởng giả. Về sau hầu
như là bà “từ” con khi thấy Mác đi vào một con đường hoàn toàn trái
ngược, phủ nhận nếp sống, lý tưởng của tầng lớp bà. Nhất là những lúc
Mác túng thiếu, bà nhẫn tâm không giúp đỡ và thường phàn nàn một cách
mỉa mai: “Giá nó biết kiếm được một “Tư bản” thay vì viết về “Tư bản”.
Ngoài thái độ lãnh đạm về tôn giáo, ông bố còn tham gia những tổ chức
khoa học, văn hoá có tinh thần rộng rãi, tự do, cởi mở, như “Hội nghiên
cứu những điều ích lợi” và “Hội văn của câu lạc bộ” Heinrich Marx thỉnh
thoảng cho Karl đi dự với mình những buổi sinh hoạt của hai tổ chức trên.
Karl đi trường năm 1830. Học trung bình, nhưng rất nghịch ngợm và hay
làm thơ mỉa mai để đả kích những kẻ thù trong nhà trường. Đó là đặc tính
mà Mác sẽ giữ mãi suốt đời tranh đấu của ông.
Ở trường Mác chịu ảnh hưởng Wyttenbach, một ông thầy rộng rãi, cởi mở,
duy lý. Trong những bài luận văn làm lúc 16, 17 tuổi, Mác đã để lộ những
nét chính một quan niệm về con người, về tôn giáo dựa trên một thái độ
duy lý nhân bản. Đặc biệt trong bài luận về đề tài: “Suy nghĩ của một người
niên thiếu trước việc chọn nghề” Mác đã viết những câu có giá trị như một
lời tuyên ngôn nhân bản: “Lịch sử vẫn coi là vĩ nhân những người tranh
đấu cho hạnh phúc của mọi người, kinh nghiệm cũng đã chứng minh rằng
những người sung sướng hơn cả là những người làm cho nhiều người được
hạnh phúc, còn tôn giáo thì dạy chúng ta biết con người lý tưởng mà ai
cũng phải bắt chước, là người hy sinh cho nhân loại… Khi chúng ta đã
chọn một nghề nghiệp cho chúng ta dễ dàng phục vụ nhân loại hơn cả thì
những nặng nhọc không làm cho ta nản chí vì đó chỉ là những hy sinh đem
lại hạnh phúc cho tất cả. Lúc đó, chúng ta sẽ không hưởng những thú vui
ích kỷ, ty tiện, nhưng là một niềm vui sướng được hàng triệu người chia sẻ,
những việc làm của chúng ta kéo dài mãi mãi những hậu quả của nó trong
thầm lặng và những tro tàn của chúng ta sẽ được tưới bằng nước mắt nóng
hổi của những người có trái tim quảng đại”.
Ở thời kỳ đó, chỉ những người “thiên tả” mới chủ trương một thứ nhân bản:
Phục vụ nhân loại, tranh đấu cho hạnh phúc nhân loại. Cho nên ngay từ lúc