nhường chỗ cho những giáo sư bảo thủ, Mác không dám nuôi hy vọng làm
luận án tiến sĩ ở đại học đó nữa. Trong thời gian ở Berlin hình như Mác
không viết gì ngoài trừ một vở kịch một tiểu thuyết bỏ dở và một số bài thơ
nữa… Những “tác phẩm” này không có giá trị gì về mặt văn chương nhưng
biểu lộ những chuyển hướng nhận thức và thay đổi tâm trạng của Mác.
Vở kịch “Oulanem” mô tả những thảm trạng do định mệnh gây ra và là một
tiếng kêu chống lại định mệnh, một định mệnh không những lôi cuốn
những nạn nhân của nó, mà còn cả vũ trụ vào cái phi lý, hư vô.
Mác soạn vở kịch này trong những ngày hoang mang lo lắng hầu như tuyệt
vọng vì những trắc trở bấp bênh Mác gặp phải trong mối tình với Jenny.
Trái lại cuốn tiểu thuyết cũng bỏ dở nhan đề là “Scorpion và Felix” nhằm
châm biếm, chế diễu nếp sống trưởng giả ở Bá Linh.
Cuốn tiểu thuyết trên cũng như những tập thơ tình viết vào thời kỳ này để
gửi cho Jenny không còn mang nặng tính chất lãng mạn, mà đã phản ảnh
một tình tự chống đối xã hội đương thời dưới mọi hình thức, qua mọi nếp
sống của nó. Mác chỉ trích thái độ chật hẹp, bảo thủ, đạo đức của trưởng
giả, chống lại những khoa học chính xác như Lý Hoá, Toán học vì những
bộ môn này nhìn nhận yếu tố vật chất là thực tại và giản lược mọi khía
cạnh tinh thần sống động vào những công thức toán học hay những quá
trình biến chuyển máy móc.
Ngày 30-3-1841, Mác được đại học Berlin cấp phát chứng chỉ mãn khoá và
6-4-1841 Mác gửi luận án tiến sĩ “Sự khác biệt giữa Triết học về Thiên
nhiên của Démocrite với Epicure” đến Đại học “Iena” và được bênh vực
luận án tuần sau. Mác học và thi cử xong năm 23 tuổi.