Nguyễn Văn Trung
Hành Trình Trí Thức Của Karl Marx
LÀM BÁO
Khi còn đang học, Mác vẫn mơ ước được dạy ở Berlin. Đến khi học xong,
lại mơ ước được dạy ở Bonn. Cả hai dự định đều không đạt vì mọi sự đều
trông nhờ ở Bauer. Nhưng Bauer bị trục xuất khỏi Berlin, đổi về Bonn, sau
đó lại bị trục xuất khỏi đại học Bonn vì thái độ vô thần, đả kích tôn giáo và
nhà vua.
Khi chắc chắn không còn hy vọng gì được dạy học, Mác quay sang làm
báo. Mác cộng tác với tờ Rheinische Zeitung xuất bản ở Cologne từ 1-1-
1842. Về sau, Mác được bầu làm chủ bút và trở thành linh hồn của tờ báo.
Sự thông minh, cương trực của Mác đã đưa Mác lên địa vị lãnh tụ mặc dầu
Mác trẻ hơn tất cả các đồng chí của mình, như Hess, cựu chủ bút tạp chí
Rheinische Zeitung đã giới thiệu Mác với một người bạn: “Anh sẽ sung
sướng được làm quen với một người bây giờ là bạn của chúng ta. Anh hãy
sửa soạn để được biết nhà triết học hiện đại lớn nhất và có lẽ đích thực
nhất. Sau này, khi quần chúng biết đến anh ta, mọi con mắt sẽ đổ dồn về
anh ta. Tiến sĩ Mác, thần tượng của tôi, còn rất trẻ (chưa đầy 24 tuổi). Anh
ta sẽ tặng cho tôn giáo, triết học cổ điển những đòn chí tử, anh ta vừa có
một óc thật mỉa mai vừa có một trí sâu sắc triết học tột độ. Anh hãy tưởng
tượng Rousseau, Voltaire, Holbach, Lessing, Heine và Hegel hoà đồng vào
một người, tôi nói hoà đồng, chứ không phải bị ném chung vào một túi….
Đó là nhà tiến sĩ họ Mác”.
Tờ báo theo khuynh hướng tự do, chống đối nhà vua. Lúc đó, Mác mới chỉ
nghĩ đến vấn đề chính trị. Mác cho rằng muốn thay đổi những cơ cấu chính
trị trước tiên phải thay đổi tâm tư người ta, nghĩa là phải đả kích những ý
tưởng về chính trị. Nhưng khi những vấn đề phải đề cập đến như vụ trộm
củi, tình cảnh lầm than của những người trồng nho vùng Moselle, Mác
không còn tìm thấy giải pháp trong triết học Hegel. Đụng chạm tới những
sự kiện cụ thể, Mác mới thấy chính trị là một khía cạnh của vấn đề kinh tế
và từ đó để ý đến vấn đề xã hội như sau này Engels đã nói: “chính vì chú ý