Người công an ở đầu dây bên kia bảo tôi hãy bình tĩnh. “Chuyện kiểu
này xảy ra nhiều lắm. Nếu ai cũng phản ứng như cô thì chúng tôi sẽ chết
hết vì kiệt sức mất. Mà trường hợp này thì hết hy vọng. Chúng tôi còn cả
đống báo cáo ở đây này, trong khi nhân lực và tài chính thì có hạn. Nếu tôi
là cô, tôi sẽ rất thận trọng trong việc nhúng tay vào chuyện đó. Những dân
làng như thế thuộc loại trời không sợ đất không sợ rồi; kể cả chúng ta có
đến đó chăng nữa thì họ cũng sẽ đốt xe và đánh đập các nhân viên công vụ
thôi. Để duy trì dòng dõi, khỏi mắc tội với tổ tiên vì không thể sinh ra
người nối dõi, họ sẽ làm những việc mà cô không thể tưởng tượng nổi
đâu.”
“Vậy”, tôi nói, “Có phải ý anh là anh sẽ khoanh tay đứng nhìn?”
“Tôi không nói vậy, nhưng...”
“Nhưng sao?”
“Nhưng không việc gì phải vội cả, chúng ta có thể làm từ từ.”
“Anh không thể để ai đó chết dần chết mòn!”
Người công an nọ bật cười. “Quả không sai khi người ta nói cảnh sát thì
đi dập lửa còn nhà báo thì đi châm lửa. Mà cô bảo tên cô là gì nhỉ?”
“Hân... Nhiên,” tôi nói qua kẽ răng.
“À, à, Hân Nhiên, tên hay đấy. Được thôi, Hân Nhiên, cô qua đây đi. Tôi
sẽ giúp cô.” Anh ta nói cứ như thể đang ban ơn cho tôi chứ không phải là
đang thực thi nhiệm vụ của mình vậy.
Tôi tới thẳng phòng làm việc của anh ta. Anh ta là một tay công an
Trung Quốc điển hình: Tráng kiện và cảnh giác.
“Ở nông thôn phép vua thua lệ làng,” anh ta nói. Theo anh ta thì ở đó
luật pháp vô hiệu. Người nông dân chỉ sợ mỗi các quan chức địa phương
nắm quyền sinh quyền sát với nguồn cung cấp thuốc trừ sâu, phân bón,
giống má và nông cụ cho họ mà thôi.
Anh ta nói đúng. Rốt cuộc, chính người thủ kho cung cấp thiết yếu phẩm
nông nghiệp ở thôn đó đã cứu được cô gái. Ông ta dọa sẽ cắt phần phân
bón của người làng nếu họ không thả cô gái ra. Ba nhân viên công an hộ
tống tôi đến thôn đó bằng xe công vụ. Khi chúng tôi đến, trưởng thôn phải
dẹp đường cho chúng tôi đi qua những người dân đang giơ nắm đấm về