phía chúng tôi mà chửi rủa. Cô bé nọ chỉ mới mười hai tuổi. Khi chúng tôi
đưa cô bé ra khỏi nhà ông già kia, ông ta kêu gào ầm ĩ và chửi thề độc địa.
Tôi không dám hỏi thăm về cậu bé đã viết thư cho tôi. Tôi muốn cảm ơn
cậu nhưng anh công an nói, người làng mà biết được cậu bé đã làm gì họ
thì sẽ giết cả nhà cậu ấy mất.
Được tận mắt chứng kiến sức mạnh của nông dân, tôi bắt đầu hiểu tại
sao Mao Trạch Đông lại thắng được Tưởng Giới Thạch, dù Tưởng được
Anh và Mỹ cung cấp vũ khí cùng sự hậu thuẫn mạnh mẽ.
Cô bé được gửi trả về nhà ở Tây Ninh - một chuyến tàu hai mươi tư
tiếng đồng hồ từ Nam Kinh - cùng với một cán bộ công an và một người
của đài phát thanh. Hóa ra, cha mẹ cô bé đã phải vay nợ tới 10.000 tệ để đi
tìm cô bé.
Tôi chẳng nhận được lời khen nào vì đã giải thoát cho cô bé đó, lại còn
bị phê bình vì “bắt quân đội phải đi đi lại lại và kích động quần chúng”,
làm tốn thời gian và tiền bạc của nhà đài. Tôi rất sửng sốt trước những lời
chỉ trích đó. Một cô bé đang bị nguy hiểm, nhưng đến giải cứu cô bé thì lại
bị xem là vắt kiệt sức lực nhân dân và làm tiêu hao công quỹ. Vậy cuộc
sống của một người phụ nữ Trung Quốc có giá trị gì?
Câu hỏi này bắt đầu ám ảnh tôi. Hầu hết những người viết thư cho tôi ở
đài phát thanh là phụ nữ. Thư của họ thường là nặc danh, hoặc đề tên giả.
Nhiều điều họ kể khiến tôi chấn động sâu sắc. Tôi vốn cứ ngỡ rằng mình đã
hiểu phụ nữ Trung Quốc. Đọc thư của họ, tôi mới nhận ra mình đã lầm
tưởng đến mức nào. Những người đồng giới với tôi đang phải sống những
cuộc đời và vật lộn với những trắc trở mà tôi chưa từng tưởng tượng ra.
Họ hỏi tôi nhiều câu liên quan đến vấn đề giới tính. Một phụ nữ muốn
biết tại sao tim cô lại đập nhanh hơn khi vô tình ngã vào một người đàn ông
trên xe buýt. Người khác lại hỏi tại sao mình lại toát mồ hôi khi một người
đàn ông chạm vào tay. Đã từ lâu lắm, mọi bàn luận về vấn đề giới tính bị
cấm ngặt và bất kỳ đụng chạm nào giữa một người đàn ông và đàn bà chưa
kết hôn đều sẽ bị dư luận lên án - bị “tẩy chay” - hoặc thậm chí bỏ tù. Ngay
cả giữa vợ chồng với nhau, “đầu ấp tay gối” cũng bị xem như là bằng
chứng của cách xử sự tội lỗi, và trong những cuộc gia đình chiến, vợ hoặc