mái đôi chút. Hoán Bích nói riêng với tôi: "Tiểu thư thường dùng thuốc rồi
nằm lì trong phòng, sắc mặt nhợt nhạt lắm, nên chịu khó đi dạo dưới ánh
nắng mặt trời để khí sắc được tốt hơn!"
Mùa xuân là thời gian đẹp nhất ở Thượng Lâm uyển, hoa lê và hải đường
ở Đường Lê cung chỉ mới mọc lá, chưa có nụ nào nhú lên, thế mà hoa ngoài
Thượng Lâm uyển đã rộ hương. Các loại hoa quý ngào ngạt tỏa hương
trong gió, cây cối tươi tốt, nước xanh như ngọc, sóng gợn lăn tăn, cảnh
tượng đặc sắc, u nhã như trong tranh vẽ, đắm say lòng người. Trong cung
rất thích trồng các loại cây hoa phú quý như ngọc lan, hải đường, mẫu đơn,
hoa quế, trúc xanh, ba tiêu, hoa mai, lan bát phẩm... còn có câu "ngọc
đường phú quý, trúc báo bình an", được xưng tụng là "tám loại cây quý của
Thượng Lâm", tượng trưng cho điềm lành trong cung đình. Đường Lê cung
nằm ở góc tây nam Thượng Lâm uyển, vốn là một nơi ít kẻ qua lại, khu vực
phụ cận cũng rất hiếm khi có người ghé qua. Do đó, tôi chỉ đi dạo xung
quanh Đường Lê cung, chẳng bị ai đến làm phiền hay hạch hỏi.
Ra khỏi Đường Lê cung không xa là hồ Thái Dịch. Dọc theo hồ Thái
Dịch trồng đầy thùy dương, cành nhánh nào cũng khoe lá mới, tựa như lông
mày vừa kẻ, ngàn sợi, vạn sợi tơ màu xanh ngọc đong đưa trong gió. Đứng
ở ven hồ, đến một luồng gió nhẹ thổi qua cũng mang theo hơi nước trong
trẻo, ngọt ngào khiến người ngắm cảnh cảm thấy vui tươi, thanh thản. Hồ
Thái Dịch rộng hơn trăm mẫu, sóng biếc lăn tăn, từ xa nhìn lại, nước hồ
cùng trời cao một sắc, trong hồ có điểm xuyết vài hòn đảo nhỏ, đặc biệt
nhất là hai đảo Bồng Lai và Vân Mộng. Trên đảo, đình đài, lầu các san sát,
tựa như bè nổi của tiên nhân. Đi vào sâu bên trong một chút là những cây
cổ thụ cao chọc trời, thân to đến mấy người ôm không xuể. Số cây cối đó
đều được trồng từ khi lập quốc đến giờ, tổng cộng cũng đã mấy trăm năm,
chưa từng bị chặt bỏ cành lá nào, rậm rạp xanh um, bóng râm che kín bầu
trời.