Đi đến đâu ông cũng than tội nghiệp cho mấy quán ăn vắng khách, tội
nghiệp cho mấy đứa nhỏ phải đi bán báo, bán vé số. Ông tình nguyện cho
người ta bán mắc, còn vui vẻ nói:
- Kệ! Lâu lâu cho họ lời chút ít cho họ vui, chứ buôn bán như vầy đâu có
được bao nhiêu.
Ông mua vé số thật nhiều rồi tặng lại cho lũ trẻ, căn dặn:
- Ông cho tụi bây để dành, chiều xổ số nếu trúng thì lấy tiền mua sách vở
học tập. Phải hứa với tao là không được bán đi đó. Để dành nghe chưa?
Tụi nhỏ dạ rơn, hứa để dành vé số chờ chiều xổ. Nhưng có đứa thật thà:
- Ít khi trúng lắm. Uổng quá!
Tôi nói với ông:
- Ông Tư xài tiền giống "công tử Bạc Liêu" quá!
Ông cười lớn:
- Bậy con! Tao sao bằng. Hồi đó ông cố con, tức là ba của ông đó, giàu
lắm. Vậy mà ông đâu có được xài tiền như "công tử Bạc Liêu". Phải đi học
trọ, ăn nhờ ở đậu nhà người ta như ai.
Xe chạy về Rạch Giá, đã gần tới Bạc Liêu rồi, ông Tư nôn nóng, háo hức
kể huyên thuyên chuyện này chuyện kia:
- Ủa! Chỗ này lúc trước tao nhớ là con sông mà. Bộ bị người ta lấp rồi
hả?
- Mấy chục năm rồi, làm sao mà ông nhớ rõ vậy?