Đã hai lần, vào buổi tối, khi đang tiến về phía cánh cửa xoay và khi nghe
một đồng nghiệp nào đó gọi, hoặc vì anh ngỡ như trong ánh mắt của khách
hàng nào đó có sự nghi ngờ, anh bắt đầu đái cả ra quần và phải gọi taxi về
nhà.
Những lần khác, anh thò đầu ra vỉa hè trước khi bước ra, để kiểm tra xem
máy chém trước bến tàu điện ngầm lúc sáng không có giờ đã được dựng lên
hay chưa, ai mà biết được.
Trong chiếc cặp mà phần lớn nhân viên chỉ dùng để mang bữa ăn trưa,
tối hôm đó, Albert mang về chín mươi chín nghìn quan tiền chẵn. Sao lại
không phải một trăm nghìn, bạn có thể nghĩ là do mê tín, thật ra không phải
thế: đó là con số rất đẹp. Đây là vấn đề thẩm mỹ - dĩ nhiên là thẩm mỹ kế
toán, cần phải tương đối hóa như vậy - nhưng dẫu sao cũng là thẩm mỹ, bởi
vì, với số tiền này, Ký ức Tổ quốc có thể hãnh diện vì đã lừa đảo được một
triệu một trăm mười một nghìn quan. Albert thấy dãy số 1 đó rất đẹp. Số
tiền tối thiểu mà Édouard đề ra giờ đã vượt xa, và riêng với cá nhân Albert,
đó là một ngày thắng lợi. Hôm đó là thứ Bảy ngày 10 tháng Bảy, anh đã xin
lãnh đạo nghỉ bốn ngày nhân lễ Quốc khánh, và vì đến giờ ngân hàng mở
cửa lại vào ngày 15 tháng Bảy, nếu không có gì thay đổi, anh đã lên tàu đi
Tripoli, nên hôm đó là ngày cuối cùng anh làm việc tại ngân hàng. Như vào
ngày đình chiến năm 1918, thoát khỏi cuộc phiêu lưu đó mà còn sống sót
khiến anh rất kinh ngạc. Người khác có lẽ đã tưởng mình là kẻ bất tử.
Nhưng Albert không thể tưởng tượng anh lại có thể thoát chết thêm một lần
nữa; thời điểm lên tàu đi các nước thuộc địa đến gần cũng vô ích, anh thực
sự không hoàn toàn tin tưởng.
— Hẹn gặp lại tuần tới, anh Maillard nhé!
— Hả? Cái gì cơ? Ờ… Vâng, tạm biệt…
Vì anh còn sống và con số một triệu mang tính biểu tượng đã đạt tới,
thậm chí còn vượt quá, Albert tự hỏi đổi vé tàu hỏa và vé tàu thủy để khởi
hành sớm hơn thì có sáng suốt hơn chăng. Nhưng vấn đề này lại khiến anh
đau lòng hơn những gì còn lại.