con trai ông. Cũng như khinh bỉ chính con người nó trước đây. Đài tưởng
niệm đó, thay vì bù đắp toàn bộ nỗi đau mà ông đã bắt con trai mình phải
chịu đựng, lại làm cho nỗi đau tăng lên gấp bội. Sự chuộc lỗi mà ông mong
đợi đã biến thành lố bịch.
Quyển catalogue Ký ức Tổ quốc giới thiệu một loạt các sản phẩm công
nghiệp với chương trình khuyến mại hấp dẫn. Họ đã bán được bao nhiêu
công trình tưởng tượng? Bao nhiêu gia đình đã bỏ tiền ra để mua những ảo
tưởng này? Bao nhiêu làng xã đã bị ăn cướp như ở một góc rừng, trở thành
nạn nhân của sự ngây thơ của chính mình? Người nào dám cả gan, thậm chí
nảy ra ý tưởng ăn cướp của chừng ấy con người bất hạnh thì quả là đáng
kinh ngạc.
Ông Péricourt không phải là một người có đủ sự độ lượng để cảm thấy
gần gũi với những nạn nhân mà ông nghĩ là rất đông, cũng không muốn ra
tay giúp đỡ họ. Ông chỉ nghĩ đến mình, đến nỗi đau của mình, đến đứa con
trai, đến câu chuyện đời mình. Điều khiến ông đau khổ, trước hết là vì ông
sẽ không bao giờ có thể trở thành người cha khả dĩ bù đắp cho quá khứ.
Nhưng, một cách ích kỷ hơn nữa, ông phật ý như thể người ta cố tình nhắm
đến chính ông: những người đã trả tiền cho những bản thiết kế công nghiệp
đó là những kẻ khờ nạn nhân của một trò lừa bịp tập thể, trong khi ông, với
đơn đặt hàng một tượng đài tùy sở thích, ông cảm thấy mình là đối tượng
của một sự cưỡng đoạt cá nhân.
Thất bại này làm cho lòng kiêu hãnh của ông bị tổn thương ghê gớm.
Mệt lử, chán chường, ông ngồi vào bàn rồi lại mở quyển catalogue mà
ông đã vô tình vò nát. Ông cẩn thận đọc bức thư dài mà kẻ lừa đảo đã gửi
cho các thị trưởng hay xã trưởng. Lời lẽ khôn khéo, khiến người ta yên tâm,
có vẻ rất hành chính! Ông Péricourt dừng một lát trước lý lẽ hẳn đã bảo
đảm cho sự thành công của việc lạm dụng lòng tin người khác, chương
trình khuyến mại đặc biệt đó, chắc chắn là rất hấp dẫn đối với những ngân
sách khiêm tốn, hiệu ứng món hời từ trên trời rơi xuống… Và thậm chí,
ngày 14 tháng Bảy rất có ý nghĩa tượng trưng đó nữa…
Ông ngẩng đầu lên, với tay xem lịch.