thiệt hại do không làm việc thường lớn hơn là số tiền thực sự bị
mất, bởi vì khi quá nhàn hạ, sự sợ hãi sẽ làm mai một những sáng
kiến, và nếu thời gian ngừng sản xuất lại quá lâu thì người ta sẽ
không còn đủ nhiệt huyết để bắt đầu lại từ đầu.
Thật vô ích nếu cứ ngồi không mà mong đợi việc kinh
doanh tiến triển tốt lên. Nếu người sản xuất muốn thực hiện
hoạt động kinh doanh của mình thì cần hạ giá bán tới mức mà khách
hàng có thể mua. Trong bất kỳ điều kiện nào, thì vẫn luôn có một
mức giá mà người tiêu dùng có thể và sẽ chấp nhận chi trả khi cần
thiết. Và chừng nào có nhu cầu luôn luôn có một mức giá đáp ứng
nhu cầu đó.
Không nên hạ giá bán bằng cách làm giảm chất lượng
sản phẩm hay tiết kiệm một cách thiển cận vì nó khiến
những người lao động thất vọng và chán nản. Chúng ta cũng
không thể làm “ồn ào” quá mức để tạo ra mức giá mới. Cách duy
nhất là phải sản xuất hiệu quả hơn, và nếu nhìn nhận sản xuất
theo khía cạnh này, mỗi thời kỳ suy thoái phải được coi là một thử
thách đối với giới kinh doanh. Việc chú trọng vào giá cả mà
phớt lờ chất lượng dịch vụ là hành động của những người
không có phẩm chất làm ông chủ.
Đây chính là một cách khác để chỉ ra rằng giá cả nên căn cứ vào
giá trị thực của hàng hóa, tức là chi phí chuyển đổi sức lao động của
con người vào hàng hoá. Công thức kinh doanh đơn giản này lại
không được coi là “kinh doanh”, bởi nó có vẻ quá đơn giản, không có
gì là phức tạp. Chúng ta có những hoạt động “kinh doanh” mà trong
đó người ta đã thực hiện kiểu “làm ăn” lợi dụng sự thật thà của mọi
người như miếng mồi béo bở để đầu cơ. Những người này đã phao
tin đồn nhảm là thực phẩm và các mặt hàng bị khan hiếm nhằm
kích cầu để bóc lột khách hàng. Đó là sự đầu cơ tích trữ sai lầm và
vì thế, chẳng mang lại kết quả gì.