hiện tại của chúng ta đã là cơ sở trao đổi phù hợp hay chưa vẫn còn là
vấn đề phải bàn bạc thảo luận nhiều hơn nữa. Đây là một vấn đề
mà tôi sẽ đề cập đến ở chương sau. Lý do chính mà tôi phản đối hệ
thống tiền tệ hiện tại là nó có xu hướng tự biến mình thành một
thứ hàng hoá, và nó gây trở ngại chứ không tạo điều kiện thuận lợi
cho sản xuất.
Điều tôi muốn hướng tới ở đây là chúng ta cần tiến dần tới
sự đơn giản hoá. Nói chung, mọi người đều có quá ít tiền nhưng lại
phải bỏ ra quá nhiều để chi trả cho những nhu cầu tối thiểu nhất
(không kể đến những thứ xa xỉ mà tôi cho rằng mọi người đều
nghĩ đến), bởi vì hầu như mọi thứ mà chúng ta tạo ra đều phức
tạp hơn mức cần thiết. Quần áo, thực phẩm, đồ dùng sinh hoạt
của chúng ta, tất cả đều có thể đơn giản hơn các sản phẩm hiện nay
và đồng thời chúng cũng có thể có hình thức, mẫu mã đẹp hơn.
Nhưng từ xa xưa, mọi thứ đều đã được làm theo một cách thức nhất
định và những người thợ chỉ cần làm theo đó.
Ý tôi không phải là chúng ta nên tiếp nhận những mô hình quá
kỳ dị. Không nhất thiết quần áo phải là một chiếc túi với một lỗ
khoét trên đó. Một chiếc áo như vậy có thể rất dễ làm nhưng lại
không thuận tiện khi mặc. Một tấm chăn thì không cần may vá
nhiều, nhưng chẳng ai trong chúng ta sẽ đạt được cái gì, nếu chúng
ta dùng thời trang Ấn Độ trong những bộ đồ như những tấm chăn.
Sự đơn giản thực sự có nghĩa là cung cấp dịch vụ tốt nhất cho mọi
người và dịch vụ đó có thể sử dụng thuận tiện nhất. Khó khăn trong
việc cải cách triệt để chính là ở chỗ người ta cứ khăng khăng cho
rằng mỗi người cần phải được cung cấp những loại hàng hoá
nhất định. Tôi cho rằng sự cải cách váy áo đối với phụ nữ - dường
như đồng nghĩa với việc ăn mặc xấu xí - đều luôn phát động từ
những người phụ nữ giản dị, những người muốn làm cho người khác
cũng có vẻ giản dị.