Vì thế, chúng tôi chính là những người đầu tiên thử nghiệm để
chứng minh một nguyên tắc rằng: “Lao động thực sự phục vụ xã hội
mới là nguồn gốc của thịnh vượng”. Việc chúng tôi thực sự đã thu
được lợi nhuận chỉ càng chứng tỏ rằng chúng tôi đã đúng, bởi chính
bản thân điều đó đã là một lý lẽ hùng hồn phi ngôn từ mà không lời
nói nào có thể chứng minh tốt hơn.
Trong chương đầu tiên, tôi đã xác lập các nguyên tắc của chúng
tôi. Và bây giờ, cho phép tôi được nhắc lại những nguyên tắc đó,
xét về khía cạnh những thành quả mà chúng tôi đã có thể đạt được
khi thực hiện theo các nguyên tắc này – bởi vì đó là nền tảng cho
tất cả thành quả lao động của chúng tôi:
(1) Không khiếp sợ tương lai và cũng không sùng kính
quá khứ. Một người sợ hãi tương lai, sợ bị thất bại thì sẽ hạn chế
hành động của chính anh ta. Thất bại chỉ là cơ hội để bắt đầu lại
một cách thông minh hơn. Sẽ chẳng có sự khinh khi nào đối với một
thất bại, chỉ có sự chê bai đối với nỗi sợ hãi thất bại mà thôi. Quá
khứ sẽ chỉ có ích khi nó vạch ra con đường và cách thức để tiến lên
(2) Coi thường cạnh tranh. Bất cứ ai có khả năng làm điều gì
đó tốt nhất thì sẽ phải là người đảm nhận công việc đó. Thật vô đạo
đức nếu như một người cố gắng cướp đi công việc kinh doanh của
người khác – vô đạo đức vì người đó cố gắng hạ thấp điều kiện
làm việc của đồng nghiệp vì lợi ích của riêng mình – để thống trị
bằng sức mạnh chứ không phải bằng trí thông minh.
(3) Đặt mục tiêu phục vụ xã hội lên trên lợi nhuận. Không
có lợi nhuận, kinh doanh không thể mở rộng. Việc tạo ra lợi nhuận
vốn không có gì là sai trái. Một doanh nghiệp được quản lý tốt
không thể không thu được lợi nhuận, nhưng lợi nhuận phải và chắc
chắn sẽ có được từ dịch vụ tốt. Lợi nhuận không thể là nền tảng
của việc kinh doanh nhưng nó phải là kết quả của sự phục vụ tốt.