Cho đến đầu những năm 30, tại tất cả các quốc gia mà Mỹ có quan hệ ngoại
giao, Ford Motor đều tiến hành những hoạt động kinh doanh. Năm 1932,
một phần ba số xe hơi chạy trên toàn thế giới mang nhãn hiệu Ford.
Chiếm lĩnh thế giới bằng các sản phẩm cùa mình là tư duy kinh doanh mà
bất cứ một doanh nghiệp nào muốn thành công đều phải có. Vấn đề ở đây là
mục đích. Tiến ra thị trường thế giới để kiếm được nhiều lợi nhuận hơn, đó
là điều dĩ nhiên. Henry Ford không điên rồ đến mức đưa những chiếc xe
của mình ra biếu không người dân ở các nước khác. Nhưng đằng sau mục
đích lợi nhuận ấy lại là một khát vọng hòa bình, dẫu rằng đó là những khát
vọng có phần rất hồn nhiên của một người không có khả năng về chính trị,
ông chỉ hành động theo sự mách bảo của lương tâm.
Năm 1915, khi Thế chiến thứ nhất đã diễn ra được một năm ở châu Âu,
Ford quyết định phải làm một điều gì đó để chấm dứt cuộc chiến vô nghĩa
này. Ông đã tuyên bố trên tờ Detroit New rằng “tôi có thể hiến toàn bộ tài
sản của mình cho nỗ lực nhằm chấm dứt chiến tranh”. Lời tuyên bố đầy hấp
dẫn này đã thu hút được rất nhiều người, trong đó có cả những kẻ cơ hội.
Một vài ngày sau, một người Hungari gốc Do Thái là Raska Schwimmer
đến gặp Ford và đề nghị ông tiến hành kế hoạch chấm dứt chiến tranh do
anh ta phác thảo. Nội dung chính của kế hoạch là tập hợp những nhà đấu
tranh vì hòa bình của châu Mỹ, sau đó đưa họ đến châu Âu kêu gọi các
nước này ngừng chiến. Mặc dù không hề nhận thức được giá trị thực tế của
giải pháp này, Ford vẫn đồng ý thực hiện kế hoạch của Raska Schwimmer.
Ông đã tập hợp được 150 nhà hoạt động hòa bình của nước Mỹ và tổ chức
cho họ đến châu Âu. Đầu tiên họ đặt chân đến Oslo - Na Uy (18.12.1915).
Tại đây, Henry Ford đã có một bài diễn thuyết kêu gọi các nước châu Âu
chấm dứt việc sản xuất vũ khí và thay vào đó bằng máy cày. Sau đó, Ford
rời Na Uy đến Hà Lan.