Tuyên ngôn Nhân quyền (The Bill of Rights)
Việc đòi hỏi phải có một tuyên ngôn nhân quyền là vũ khí mạnh mẽ nhất
của những người chống chế độ Liên bang. Patrick Henry là một trong
những người chỉ trích bản Hiến pháp kịch liệt nhất khi liệt kê những điểm
không rõ ràng và việc thiếu vắng những công cụ bảo vệ cần thiết chống lại
sự chuyên chế của chính quyền. Trong Hội nghị phê chuẩn của Virginia,
ông nhạo báng chủ trương cân bằng và đối trọng của phe Liên bang rằng
"Những trò cân bằng và đối trọng giả tạo và hào nhoáng kia, cái trò bước đi
trên dây đầy mạo hiểm, những vụ huyên náo ầm ĩ, những toan tính kỳ quặc
về kiểm soát và đối trọng đó để làm gì?". Phe chống liên bang đòi hỏi một
bản Hiến pháp cô đọng hơn, chắc chắn hơn, nêu bật được quyền của dân
chúng và những giới hạn quyền lực của chính quyền. Richard Henry Lee
cũng thất vọng về sự thiếu vắng những điều khoản bảo vệ "những quyền
thiết yếu của con người mà không có tự do thì không thể tồn tại". Lee tranh
cãi rằng việc chuyển một chính quyền cũ thành chính quyền mới mà thiếu
một tuyên ngôn nhân quyền như vậy thì chỉ là việc "tránh vỏ dưa lại gặp vỏ
dừa".
Dù rất nhiều chính khách đương thời cũng cho rằng những quyền cơ bản
của con người cần phải được bảo đảm trong Hiến pháp, thì ngược lại,
Wilson và Madison, những lãnh tụ phe Liên bang lại khăng khăng giữ quan
điểm rằng một tuyên ngôn nhân quyền là không cần thiết, vì mọi quyền lực
không được trao cho chính quyền đều thuộc về dân chúng. Sau này, ngay cả
Thomas Jefferson cũng viết cho Madison rằng: "Tuyên ngôn nhân quyền là
điều mà dân chúng thường dùng để chống lại tất cả các chính quyền trên
trái đất".
Mùa thu năm 1788, Madison bắt đầu tin rằng Tuyên ngôn Nhân quyền
không chỉ cần thiết để có Hiến pháp được thông qua mà sẽ có nhiều tác
dụng tốt khác. Ngày 17 tháng Mười, ông cho rằng "những châm ngôn cơ
bản về chính quyền tự do là một nền tảng tốt để khơi dậy ý thức của cộng