Năm 1788, Benjamin Franklin nói với một phóng viên Pháp rằng mô hình
chính quyền mới cũng giống như trò chơi súc sắc, quá nhiều người tham dự
với các ý kiến, sở thích và lợi ích rất đa dạng sẽ không thể mang lại kết quả
mà không gây tranh cãi. Sau đó, Franklin đã viết thư cho những người bạn
ở châu Âu: "Tôi gửi tới các bạn bản dự thảo Hiến pháp liên bang mới cho
các vùng đất của nước Mỹ... Nếu chúng tôi thành công, tôi không hiểu tại
sao ở châu Âu, các bạn không thành lập một liên minh bao gồm tất cả các
quốc gia và các vương quốc khác nhau...". 200 năm sau, một Liên minh
châu Âu được hình thành với 15 quốc gia và rồi đây sẽ là một liên bang của
25 quốc gia như ý tưởng của Benjamin Franklin và cũng là mơ ước đã
thành hiện thực của rất nhiều người dân châu Âu không phải bởi máu và
bạo lực, mà bằng niềm tin, trí tuệ và sự đồng lòng của hết thảy mọi người.
Madison từng viết cho Jefferson rằng sự gắn kết những mối quan tâm trái
ngược nhau này thật sự là "một nhiệm vụ khó khăn hơn cả việc thuyết phục
những người không hề liên quan gì để họ thực hiện nó". Khi các đại biểu
rời Philadelphia lúc kết thúc Hội nghị, nếu có thì cũng chỉ rất ít người tin
tưởng vào sự tốt đẹp và sự tồn tại vĩnh hằng của bản Hiến pháp mà họ vừa
soạn thảo. Họ cũng không biết rằng rồi đây, họ sẽ là những nhân vật chính
tham gia tích cực vào việc xây dựng một chính quyền mới.
Vào cuối đời, James Madison, người cuối cùng trong số 55 người tham gia
Hội nghị này còn sống, đã viết nguệch ngoạc trong một bức thư mà chưa
bao giờ được gửi đi. Trong đó, ông tuyên bố không có chính quyền nào là
hoàn hảo và "đây chính là mô hình ít khiếm khuyết nhất và do vậy sẽ là
chính quyền tốt nhất".
Nhiều sử gia Mỹ gọi thành công mà Hội nghị Lập hiến đã làm là "Điều kỳ
diệu ở Philadelphia" và ngày nay, bản Hiến pháp Mỹ cùng với Tuyên ngôn
Độc lập được lưu giữ trang nghiêm và cẩn thận tại Trung tâm Lưu trữ Quốc
gia Mỹ như những tài sản quý báu nhất của nhân dân Mỹ.