Ngài MADISON: Coi việc bầu cử của toàn thể dân chúng đối với một viện
của nhánh lập pháp là điều sống còn cho mọi mô hình chính quyền tự do.
Tại một số tiểu bang, cơ quan lập pháp bao gồm những đại biểu do các đại
cử tri chọn ra. Vì thế, nếu Hạ viện do cơ quan lập pháp tiểu bang bầu chọn,
Thượng viện được Hạ viện bầu, bộ máy hành pháp [tức là Tổng thống] sẽ
được cả Thượng viện và Hạ viện kết hợp lại lựa chọn, và hơn nữa còn
những chức vụ khác lại do nhánh hành pháp bổ nhiệm thì dân chúng sẽ
hoàn toàn mất quyền. Do vậy, sự cảm thông cần thiết giữa dân chúng và các
nghị sĩ, các viên chức chính quyền hầu như chẳng còn. Ông cũng tán thành
chính sách "tinh chế" việc bổ nhiệm bởi một lần bầu chọn tiếp nữa của dân
chúng, nhưng cho rằng cách này đã đi quá xa. Ông muốn cách thức này chỉ
áp dụng cho việc bầu chọn các thành viên của Thượng viện, của bộ máy
hành pháp và các cơ quan tư pháp. Một công trình vĩ đại sẽ được xây dựng
ổn định và bền vững hơn nếu nó dựa trên nền tảng vững chắc là dân chúng
hơn là thuần tuý dựa vào các cơ quan lập pháp tiểu bang.
Ngài GERRY: Không muốn cho dân chúng có quyền bầu cử. Những đặc ân
của Hiến pháp nước Anh thường là sai lầm khi áp dụng cho thực tế Hợp
chúng quốc vì đây là một môi trường hoàn toàn khác. Kinh nghiệm cũng
chỉ ra rằng các nghị sĩ tiểu bang được dân chúng bầu chọn trực tiếp không
phải lúc nào cũng được dân chúng tin tưởng. Tuy nhiên, ông không phản
đối quyền bầu cử của dân chúng nếu có nhiều công dân có địa vị, có tên
tuổi sẵn lòng tham gia vào trong danh sách những người ứng cử. Dân chúng
nên đề cử một số lượng đại biểu nhất định nào đó và từ số này, các cơ quan
lập pháp tiểu bang sẽ chọn ra những đại biểu cuối cùng.
Ngài BUTTLER: Mô hình để dân chúng bầu cử trực tiếp là không thực tế.
Kết quả bỏ phiếu về việc dân chúng trực tiếp bầu chọn Hạ Viện:
MA: đồng ý; CT: không quyết định; NY: đồng ý; NJ: phản đối; PA: đồng ý;
DE: không quyết định; VA: đồng ý; NC: đồng ý; SC: phản đối; GA: đồng
ý.