Ngài SHERMAN: Coi Hội đồng hành pháp tối cao không khác gì cơ quan
thực thi mọi ý muốn của Quốc hội, nên một hay nhiều người đều phải do
Quốc hội bổ nhiệm và là những người được Quốc hội tin cậy, vì chỉ có
Quốc hội mới nhận thức và thể hiện được ý muốn tối cao của dân chúng.
Các nghị sĩ cũng là các quan tòa tốt nhất trong việc phát xét cách điều hành
của chính quyền, nên ông cho rằng số lượng người trong nhánh hành pháp
không nên cố định mà có thể thay đổi tùy theo nhu cầu công việc và hoàn
toàn do Quốc hội tự do bổ nhiệm.
Ngài WILSON: Tán thành việc trao quyền hành cho một người duy nhất,
bởi một người sẽ có trách nhiệm cao nhất và có nhiều quyền hành nhất.
Ông không coi các đặc quyền của Vua Anh là hình mẫu đúng đắn và thích
hợp cho việc xác định quyền lực hành pháp. Một số đặc quyền này bản chất
thuộc về Quốc hội, bao gồm các quyền về chiến tranh và hòa bình. Ông
thừa nhận những quyền phải được trao cho nhánh hành pháp là các quyền
thi hành luật pháp, quyền bổ nhiệm viên chức chính phủ, những quyền này
sẽ không thích hợp nếu trao cho Quốc hội.
Ngài GERRY: Tán thành mô hình Hội đồng hành pháp, bao gồm nhiều
người để có thêm sức mạnh và tăng thêm lòng tin của công chúng.
Ngài RANDOLPH: Chống đối kịch liệt sự đơn nhất trong chính quyền hành
pháp vì coi đó là mầm mống của nền quân chủ. Ông cho rằng không có lý
do nào để noi theo mô hình chính quyền Vương quốc Anh. Tuy nhiên, ông
không định phê phán mô hình tuyệt vời này. Nhưng nếu các đại biểu khác
dự định áp dụng mô hình đó, thì ông không biết có nên phản đối hay không.
Nhưng những đặc tính đã định hình của người Mỹ đòi hỏi một mô hình
chính quyền hoàn toàn khác. Ông không hiểu được tại sao những điều thiết
yếu nhất về nhánh hành pháp: sự mạnh mẽ, sự khẩn trương và trách nhiệm
lại không thể tìm thấy trong một nhóm gồm ba người như là đối với một
người. Nhánh hành pháp phải đảm bảo tính độc lập và để đảm bảo sự độc
lập thì cơ quan này phải gồm nhiều hơn một người.