tượng của bậc thiên tử. Bà Thục còn soạn những câu ca dao, lời ru để dạy
con, tất cả được ghi lại trong một cuốn sổ. Một hôm ông Định mở ra xem
thấy có câu: "Bống bống, bang bang, ngày sau con lớn con tựa ngai vàng".
Ông Định hoảng quá, vì đấy có thể bị coi là một ý tưởng phản nghịch. Ông
bèn sửa chữ tựa ngai vàng thành vịn ngai vàng. Việc này khiến bà giận lắm;
những xích mích bấy lâu bùng nổ, bà bỏ chồng con mà đi, không trở về nữa.
Cũng theo truyền thuyết, trước đấy, khi còn ở với ông Định, có lần bà đi
đò gặp một thanh niên vạm vỡ, tướng mạo khác thường. Bà Thục là người
biết tướng số, trông biết ngay người này về sau sẽ làm nên sự nghiệp hiển
hách. Bà lấy làm ân hận than thở: "Lúc trẻ chẳng gặp nhau, ngày nay đến
đây làm gì". Người đánh cá ấy chính là Mạc Đăng Dung!
(Mạc Đăng Dung người làng Cổ Trai (Hải Dương), vốn là cháu bảy đời
của Lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi. Có sức khỏe hơn người, ông
lên kinh thi đấu vật trúng đô lực sĩ, được sung vào chân túc vệ chuyên cầm
dù theo xe vua, rồi được cử giữ chức Đô chỉ huy sứ phụ trách Vệ thần vũ
trong cung. Đăng Dung tiến rất nhanh trên đường hoạn lộ. Trải ba đời vua
Lê, ông thăng tới tước Thái Quốc công, rồi An Hưng Vương. Năm 1527 ông
từ Cổ Trai lên kinh ép vua Lê nhường ngôi. Cuộc soán đoạt diễn ra khá êm
thấm vì triều Lê bấy giờ đã quá mục nát, việc sụp đổ không thể tránh khỏi.)
Tám năm nhập thế, lòng ngao ngán
Nguyễn Bỉnh Khiêm sinh năm 1491, khi ấy vẫn còn đang là triều Lê.
Tương truyền hồi nhỏ là một cậu bé khôi ngô tuấn tú, tư chất khác thường,
một tuổi đã biết nói, lên năm đã được mẹ dạy đọc kinh sách, truyền miệng
thơ văn chữ Nôm, học đâu nhớ đấy. Nhưng tại sao đến tuổi trung niên, ông
mới đi thi?
Có thể bởi lẽ, Nguyễn Bỉnh Khiêm sinh ra trong buổi nhiễu nhương. Tuổi
trai trẻ của ông rơi đúng vào các đời vua Lê Tương Dực, Lê Chiêu Tông và
Lê Cung Hoàng, là giai đoạn đất nước loạn lạc, lòng người li tán. Là người