Là quân sư của chúa Nguyễn hùng cứ một phương, lại trực tiếp chỉ đạo
việc bố phòng bảo vệ lãnh thổ phía Nam suốt nhiều chục năm trời, Đào Duy
Từ không những không bị quy trách nhiệm "chia cắt đất nước", mà còn luôn
được tôn vinh như một danh nhân của cả nước Việt. Không chỉ ở các tỉnh
phía Nam mà cả trên đất Bắc, có rất nhiều noi thờ Đào Duy Từ, nhiều
trường học, đường phố mang tên ông... Đó chính là nhờ những đóng góp to
lớn của ông về nhiều phương diện: quân sự, chính trị, ngoại giao, văn hóa...
đã có tác động tích cực đối với tiến trình lịch sử chưng của đất nước. Trước
tác của ông, ngoài vở tuồng Sơn Hậu nổi tiếng, còn có bộ binh thư Hổ
trướng khu cơ và hai khúc ngâm bằng chữ Nôm: Ngọa Long Cương vãn và
Tư Dung vãn. Trong Ngọa Long Cương vãn, bài thơ làm theo thể lục bát dài
136 câu, Đào Duy Từ ví mình với Gia Cát Lượng khi về ở ẩn trên núi Ngọa
Long. Qua đó vừa ca ngợi cuộc sống thanh cao, không màng danh lợi của
người ẩn sĩ, vừa bộc lộ chí khí của người mang hoài bão to lớn, mong muốn
đem tài năng của mình ra thi thố, phục vụ lợi ích non sông. Quả thật, làm
quân sư cho Nguyễn Phúc Nguyên, ông không chỉ lo gây dựng cơ nghiệp
nhà chúa, mà còn đặc biệt chú trọng phát triển xứ Đàng Trong về mọi lĩnh
vực kinh tế, văn hóa, xã hội, vói hoài bão sâu xa: làm sao cho đủ mạnh để
tiến quân ra Bắc, diệt được họ Trịnh, thống nhất đất nước. Khát vọng này
của Đào Duy Từ luôn nhất quán vói cách hành xử của ông, không chỉ bộc lộ
qua nhiều áng thơ văn mà còn được "dân gian hóa" qua không ít giai thoại
còn được lưu truyền. Chính điều đó đã nâng tầm ông lên hàng danh sĩ của cả
nước.
YÊN NGHỈ TRÊN QUÊ HƯƠNG THỨ
HAI
Sinh ra và lớn lên ở Thanh Hóa, nhưng làng Tùng Châu (nay thuộc xã
Hoài Thanh, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) là nơi đã hun đúc thêm tài
năng và ý chí của Đào Duy Từ, giúp ông bắt đầu một sự nghiệp lớn. Sau khi
ông qua đời, chúa Nguyễn cho đưa thi hài về mai táng và lập đền thờ tại đây.