tấu, Vũ Duy Thanh phân tích: "Nước ta chỉ có chiều dài, không có chiều
rộng... Mặt trông ra biển, lưng tựa vào núi rừng... Suốt từ Bắc đến Nam chạy
dài theo mé biển, phỏng như có nước ngoài dòm nom, thì bất cứ chỗ nào họ
cũng có thể lọt vào được. Như vậy, việc phòng giữ mặt biển rất quan trọng.
Điều cần kíp là phải tập luyện thủy quân, hậu đãi binh lính và giao quyền
hành cho các quan võ cho họ có đủ uy trí mà điều khiển".
Một số tài liệu còn cho biết, Vũ Duy Thanh là người đã phát hiện ra mỏ
than vùng Đông Triều, Quảng Ninh. Ông cũng đã đề xuất khai thác mỏ than
này để lấy nhiên liệu chạy tàu...
Vũ Duy Thanh quả là người có tầm nhìn xa trông rộng. Vua Tự Đức đọc
bản tấu của ông đều khen hay và ban thưởng cho ông, nhưng tiếc thay lại
cho cất vào văn khố để "ngày sau sử dụng", vì nhà vua cho rằng việc này
quá tốn kém và chưa cần thiết!
Thời gian làm quan và cống hiến của Vũ Duy Thanh chưa đầy chục năm.
Theo những nguồn khác nhau, ông mất năm 1859 hoặc 1861, thọ 52 hoặc 54
tuổi. Đây chính là cái tuổi chín muồi nhất trong khoa học. Ông mất một cách
đột ngột cùng một ngày với người con trai. Đến nay, đây vẫn còn là một bí
ẩn lịch sử, không rõ liệu có liên quan đến vai trò của ông trong việc chủ
chiến bấy giờ hay không.
Ý tưởng đóng tàu chiến và xây dựng hải quân của Vũ Duy Thanh sau này
sẽ được Bùi Viện (1839 - 1878) một lần nữa đề xuất với triều đình, và cũng
lại một lần nữa bị bỏ qua. Phải chăng đây là một trong những điều khiến
nước ta tụt hậu hàng thế kỉ so với Nhật Bản?!