được. Nhờ nó, ông có thể đo đạc, xác định được vị trí các vì sao, độ lệch
hoàng đạo, bạch đạo (quỹ đạo của Mặt Trời, Mặt Trăng) đối với xích đạo
qua các thời gian trong năm... Sử sách xưa rất kiệm lời, cũng phải khen:
"Linh lung nghi để xét nghiệm thiên tượng đều được đúng cả."
Lịch vốn có xuất xứ từ thời nhà Tống bên Trung Quốc (gọi là lịch Thụ),
được đem vào sử dụng ở nước ta bấy lâu nay, không phù hợp vói vị trí địa lí,
quy luật thời gian, thời tiết, khí hậu Việt Nam. Qua thống kê kết quả quan
trắc nhiều năm, đến mùa xuân năm 1339, ông nhận thấy, lịch Thụ có khá
nhiều bất hợp lí. Ông tâu với vua Trần Hiến Tông xin đổi sang lịch Hiệp kỉ
do ông tính toán và sửa đổi, và được vua chuẩn y. Những công trình nghiên
cứu công phu về thiên văn của Đặng Lộ đã giúp ích cho việc tính toán, chia
thời vụ trong sản xuất nông nghiệp và đắp đê phòng chống lũ lụt mà đương
thời các vua nhà Trần rất quan tâm.
Kế tục sự nghiệp của Đặng Lộ còn có một nhà thiên văn và lịch pháp tài
giỏi của nước ta. Đó là Trần Nguyên Đán (1326 - 1390), hậu duệ của
Thượng tướng Trần Quang Khải và là ông ngoại của Nguyễn Trãi. Trần
Nguyên Đán đã tổng kết các quan sát thiên văn và viết nên tác phẩm Bách
thế thông kỉ có ghi chép đầy đủ những hiện tượng nhật thực, nguyệt thực,
sao chổi, động đất, thủy triều lên xuống, biến đổi thời vụ... hàng nhiều thế
kỉ. Tiếc là tác phẩm đó đến nay không còn.
Có thể nói, vào thời Trần khoa thiên văn học nói riêng và khoa học tự
nhiên đã có những tiến bộ đáng kể, mà Đặng Lộ là một nhà khoa học lỗi lạc
đương thời. Sau đó nhà Hồ tiếm ngôi nhưng chưa được bao lâu thì giặc
Minh sang xâm lược nước ta. Chúng đã thu hết sách vở và phá hủy những
công trình khoa học, trong đó có Linh lung nghi. Đồng thời thay thế lịch
Hiệp kỉ bằng lịch Đại thống của Trung Quốc. Từ đó cho đến các triều đại về
sau, khoa thiên văn và lịch pháp nước ta càng trở nên lạc hậu so với thế giới.