ĐỖ PHÁP THUẬN
(915 - 990)
Tác giả bản "Tuyên ngôn hòa bình" đầu
tiên
T
hời Tiền Lê, Lê Hoàn làm vua trong 25 năm (980 -1005; khi mất được gọi
là Lê Đại Hành). Ông đã để lại những dấu ấn khó phai trong lịch sử Việt
Nam, nhất là vào buổi đầu dựng nước đầy chông gai. Nhận long bào từ tay
Thái hậu Dương Vân Nga, chưa đầy một năm sau, ông đã phải lo đối phó
với cuộc xâm lăng hung hãn của quân Tống. Với chiến thắng lừng lẫy trên ải
Chi Lăng và đặc biệt chiến thắng Bạch Đằng lần thứ hai (981), ông đã đập
tan âm mưu xâm lược của kẻ thù, giữ vững được nền độc lập tự chủ từ thời
Đinh Tiên Hoàng để lại. Nhờ đó đất nước được thái bình, đồng thời mở ra
một thời kì hòa hiếu khá êm đẹp với triều đình nhà Tống.
Liên tiếp trong hai năm 986 - 987, nhà Tống hai lần cử sứ thần Lý Giác đi
sứ sang kinh đô Hoa Lư. Lý Giác là người rất giỏi thơ phú, ở lần sang thứ
nhất ông ta đã thể hiện tài đối đáp khó ai sánh được. Cho nên khi ông ta
sang lần thứ hai, vua Lê quyết định cử Đỗ Pháp Thuận, vị pháp sư cố vấn
của triều đình giả làm người chèo thuyền đi đón sứ Tống. Trên đường về
kinh đô Hoa Lư, khi thuyền đến sông Hoàng Long (khúc sông thuộc huyện
Gia Viễn, Ninh Bình ngày nay), bất chợt Lý Giác thấy hai con thiên nga
(ngỗng trời) bơi trên sông. Tức cảnh sinh tình, Lý Giác cao hứng ngâm:
Nga nga lưỡng nga nga,
Ngưỡng diện hướng thiên nha.
Nghĩa là:
Song song ngỗng một đôi,
Ngửa mặt ngó ven trời.