Được ăn học, An rất chăm đọc sách và chịu khó suy nghĩ, từ nhỏ đã "tiếng
tăm lừng lẫy khắp xa gần". Thế nhưng lớn lên, tuy cũng dùi mài kinh sử
nhưng anh lại hết sức dửng dưng vói việc thi cử, vốn là cách lập thân duy
nhất để đạt được đồng thời hai chữ danh lợi ("đẹp mặt" và "ấm thân"). Đã
mấy khoa thi trôi qua, không thấy con lều chõng như bao bạn học lên kinh
ứng thí, bà mẹ hỏi vì sao thì An từ tốn đáp:
- Con vẫn nhớ những lời ru của mẹ, nhưng chí hướng của con không đặt ở
chốn quan trường. Lợi danh nhiều khi làm người ta không giữ được mình.
Bà mẹ hiểu ý con, từ đó không bao giờ nhắc đến chuyện ấy nữa. Duy thầy
và các bạn đều tiếc, thường bảo nhau, với sức học ấy, nếu An đi thi hẳn sẽ
đứng trong bảng tam khôi (gồm trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa), đứng
đầu các sĩ tử.
Chí hướng của An quả là khác người, và khác với "đạo" của giới nho sĩ
xưa nay. Sách Luận ngữ từng chép: Khi Tử Cống - một trong vài học trò
thân cận nhất - hỏi thầy là Khổng Tử: "Có hòn ngọc tốt, bỏ vào tủ mà cất đi
chăng? Hay tìm giá cao mà bán chăng?" Khổng Tử liền đáp: "Bán đi! Bán
đi!". Câu này được hiểu theo nghĩa, đã bỏ công đèn sách ăn học thành tài thì
khi có cơ hội, phải làm quan ngay đi! Chính Khổng Tử cả đời đã đi hết nước
này sang nước khác tìm công danh, mà không đạt.
Chí hướng của Chu An, ấy là ra sức học tập và dạy người khác học như
một mục đích mà kẻ sĩ chẳng mấy người đạt được: "Học không biết chán,
dạy không biết mệt" ("Học nhi bất yếm, hối nhân bất quyện" là một câu các
sĩ tử phải nhớ nằm lòng trong Luận ngữ).
Lê Quý Đôn cho biết Chu An thường nói vói học trò rằng: "Phàm học
thành đạt cho mình là để thành đạt cho người, công đức tới dân, ân huệ để
lại đời sau, đấy là phận sự của nhà nho chúng ta" (Quế Đường thi tập). Ông
đầu tư mọi sức lực cho học tập, học để biết, biết để truyền lại cho nhiều
người đều biết, chứ không phải để đi thi cầu danh kiếm lợi.
Nức tiếng thầy Chu