Văn An lại được một vinh dự lớn bậc nhất là được thờ tại Văn Miếu với
danh hiệu "Vạn thế sư biểu" (người thầy tiêu biểu của muôn đời).
Học giả Phan Huy Chú đời Nguyễn đã ca ngợi ông: "Học nghiệp thuần
túy, tiết tháo cao thượng, làng Nho nước Việt trước sau chỉ có mình ông; các
ông khác không thể so sánh được".
Và có lẽ cũng chỉ có ông là người duy nhất không xuất thân khoa bảng,
không làm quan đầu triều, nhưng luôn được nhắc đến trong bất cứ quyển
chính sử nào bằng những lời lẽ trân trọng nhất...
SỰ TÍCH ĐẦM MỰC
Chuyện xưa kể rằng, thuở Chu Văn An mở trường dạy học ở quê nhà,
trong số rất nhiều môn sinh có một học trò dung mạo khác người, hôm nào
cũng đến thật sớm nghe giảng. Thấy người học trò này rất chăm chỉ và học
giỏi, nhưng không rõ tung tích ở đâu, người ta theo dò thì thấy khi người
này ra về, cứ đến khu đầm Đại thì biến mất. Chu Văn An biết đây là thần
nước, nhưng không đả động gì đến. Gặp lúc đại hạn kéo dài, ruộng đồng khô
cạn, hôm ấy sau khi giảng bài xong thầy Chu hỏi học trò xem ai có tài thì
làm mưa cứu dân. Người học trò kì lạ tỏ vẻ ngần ngại, sau đó tiến đến thưa:
- Thưa thầy, con xin vâng lời thầy, nhưng như vậy sẽ trái lệnh thiên đình.
Sau này xảy ra chuyện gì không hay cho con, xin thầy chu toàn cho.
Nói rồi, anh học trò lấy nghiên ra giữa sân mài mực, rồi ngẩng đầu cầu
khấn và nhúng bút vẩy mực lên khắp nơi. Bỗng bốn phương trời mây đen ùn
ùn kéo tới, sau đó mưa trút xuống ào ào. Đêm ấy trên trời có tiếng sét nổ rất
to và sáng hôm sau, người ta thấy xác một con thuồng luồng nổi lên giữa
đầm. Thầy Chu vô cùng thương xót, sai học trò làm lễ an táng. Nhân dân
quanh vùng nhớ ơn đã lập đền thờ bên mộ thần. Nơi nghiên mực bị ném rơi
xuống biến thành một cái đầm có nước đen như mực, nên được dân gian gọi
là Đầm Mực. Quản bút rơi xuống làng Tả Thanh Oai, nên nơi này trở thành
đất văn học, quê hương của các nhà khoa bảng nổi tiếng như Ngô Thì Sĩ,
Ngô Thì Nhậm...