với con về những điều trong sách vở. Vì vậy, Trãi đã tích lũy được nhiều
kiến thức vượt hẳn mọi người.
Làm quan nhà Hồ
Tháng Hai năm Canh Thìn (1400), Hồ Quý Ly lật đổ nhà Trần, dựng nên
nước Đại Ngu, rời đô về Thanh Hóa (Tây Đô). Cùng năm này, nhà Hồ mở
khoa thi đầu tiên. Nguyễn Trãi đi thi và đỗ Thái học sinh.
Ông vua mới đặc biệt chú ý đến Nguyễn Trãi. Thấy được trí tuệ, sự sáng
suốt và khí phách của vị tân khoa mới 20 tuổi, vua đã giao cho ông một
cương vị rất cao là Ngự sử đài chánh chưởng, chuyên phản biện lại những
việc mình làm. Hồ Quý Ly còn nghĩ, một người như Nguyễn Trãi ắt phải
được người thầy dạy bảo tốt. Ông chợt nhớ đến Nguyễn Ứng Long, người
từng đỗ cao từ nhiều năm về trước mà không được trọng dụng. Vua bèn cho
triệu vào triều. Ông Long đổi tên là Nguyễn Phi Khanh, nhận chức Đại lí tự
khanh thị lang tòa Trung thư, Hàn lâm viện học sĩ kiêm lãnh chức Tư nghiệp
Quốc tử giám. Hai cha con làm quan cùng triều.
Trong khi nhà Hồ đang tiến hành những cải cách lớn để chấn hưng nền
kinh tế đất nước thì nhà Minh cử Trương Phụ mang quân sang xâm lược
nước ta. Sự thoán đoạt ngôi nhà Trần của Hồ Quý Ly không được lòng dân
nên nhà Hồ nhanh chóng thất bại. Năm 1407, cha con Hồ Quý Ly cùng
nhiều triều thần (trong đó có Nguyễn Phi Khanh) bị giặc bắt, đưa về Kim
Lăng (tức Nam Kinh). Nguyễn Trãi trốn thoát, bí mật theo cha lên đến Lạng
Sơn. Phi Khanh biết, nhờ người nhắn lại: "Con là người có tài, nên tìm cách
rửa nhục cho nước, trả thù cho cha. Như thế mới là đại hiếu".
Vâng lời cha, Nguyễn Trãi quay trở về, nhưng đến Thăng Long thì bị giặc
bắt. Giặc dụ hàng, phong quan tước nhưng ông khảng khái chối từ. Biết ông
là người có tài, chúng không giết, nhưng giam lỏng ở Thăng Long, khi ấy đã
bị giặc Minh đổi tên thành Đông Quan. Nguyễn Trãi nhẫn nhục chờ đợi thời
cơ, đồng thời nghiền ngẫm chiến lược giải phóng đất nước mà ông gọi là
Bình Ngô sách...