Vô vi trong điện gác
Chốn chốn hết đao binh.
Sau những năm trường rơi vào quên lãng, đến nửa sau của thế kỉ 20, bài
thơ mới lại được biết đến với tên gọi Quốc tộ (đặt theo hai chữ đầu của bài
thơ), hoặc dịch ra là Vận nước hay Ngôi nước. Các nghiên cứu đã chỉ ra
rằng, đây là bài thơ có tên tác giả xuất hiện sớm nhất, nên được những người
làm sách, kể cả sách giáo khoa văn học, đặt vào vị trí khai sáng cho văn học
cổ dân tộc. Chỉ riêng điều ấy đã giá trị lắm rồi. Song ý nghĩa của bài thơ còn
lớn hơn nhiều: Trả lời câu hỏi của nhà vua về "vận nước ngắn dài", Pháp
Thuận đã dùng bốn câu thơ với ngôn từ giản dị mà thâm thúy để nói rằng,
vận mệnh nước nhà dài lâu, bền vững khi nhà vua dựng mở được nền thái
bình cho đất nước. Ba chữ "quốc tộ", "thái bình", "vô vi" trong bài thơ được
coi là ba nhãn tự có hàm ý rất sâu sắc: "Quốc tộ" ở đây được hiểu là vận
mệnh quốc gia; "thái bình" để chỉ một xã hội yên vui, thanh bình, không bạo
lực, chiến tranh; "vô vi" trong sách Phật có nghĩa là từ bi, bác ái, vị tha,
nhưng ở đây còn thể hiện phương thức đức trị - nhà vua lấy đức để trị dân.
Với bốn câu thơ ấy, thiền sư - thi sĩ Pháp Thuận đã trở thành người đầu tiên
thể hiện lí tưởng thái bình muôn thuở của dân tộc ta từ thời Lê Hoàn. Đặt
bên cạnh bài "Nam quốc sơn hà" vẫn được biết đến như một bản "Tuyên
ngôn Độc lập", bài thơ Quốc tộ của Đỗ Pháp Thuận xứng đáng được coi là
bản "Tuyên ngôn Hòa bình" đầu tiên của đất nước.
THIỀN UYỂN TẬP ANH
Tác phẩm văn xuôi viết bằng chữ Hán của nước ta, có nghĩa là "Tập hợp
tinh hoa vườn Thiền". Sách ghi lại tương đối hệ thống các tông phái Thiền
học và 68 tiểu truyện các thiền sư nổi tiếng kể từ cuối thời Bắc thuộc đến
cuối thời Lý đầu thời Trần. Tập sách được nhiều người biên soạn kế tiếp
nhau, hoàn thành vào khoảng thời Trần. Hiện còn lưu giữ được bản chữ Hán
in năm Vĩnh Thịnh thứ 11 đời Lê Dụ Tông (1715).