người thiếp Nguyễn Thị Lộ cứu ngày nào, đã trở thành Thái tử Lê Tư
Thành. Năm 1460, Thái tử lên ngôi, tức Lê Thánh Tông, vị vua anh minh,
sáng suốt bậc nhất trong lịch sử dân tộc. Một trong những việc tốt đẹp nhất
mà Lê Thánh Tông sớm làm là minh oan cho Nguyễn Trãi, đồng thời cho
sưu tầm tất cả các trước tác của ông, ghi nhận tấm lòng, nhân cách và những
đóng góp vô song của ông đối với dân tộc và văn hóa dân tộc. Bản thân vua
cũng để lại một câu thơ vào hàng đẹp nhất, có ý nghĩa nhất đối với việc vinh
danh Nguyễn Trãi: "Ức Trai tâm thượng quang khuê tảo", ý là Ức Trai lòng
soi sáng văn chương (sao Khuê trong quan niệm của phương Đông, là ngôi
sao trong nhị thập bát tú cai quản về văn chương).
Năm 1980, nhân kỉ niệm 600 năm ngày sinh Nguyễn Trãi, Tổ chức Văn
hóa - Giáo dục Liên Hợp Quốc (UNESCO) đã công nhận ông là danh nhân
văn hóa thế giói và tổ chức các hoạt động kỉ niệm tại Việt Nam và nhiều
nước khác. Thế giới đánh giá cao Nguyễn Trãi, trước hết là nhà tư tưởng
kiệt xuất (tư tưởng nhân nghĩa, tư tưởng nhân dân và tư tưởng yêu nước).
Bên cạnh đó, ông còn là một nhà quân sự thiên tài, lấy chinh phục lòng
người làm phương châm hành động, một nhà thơ đặc sắc, một nhà văn chính
luận đanh thép, một nhà soạn lễ nhạc đã nhìn thấy cái gốc của âm nhạc, một
nhà giáo dục nhân bản, một nhà ngoại giao khôn khéo...
Với từng ấy phẩm chất trong một con người, vì sao Khuê Nguyễn Trãi
hơn sáu trăm năm qua luôn tỏa sáng trên bầu trời Việt Nam, góp một ánh sao
không trộn lẫn trên bầu trời văn hóa thế giới.
DƯ ĐỊA CHÍ- TÁC PHẨM ĐỊA LÍ
VIỆT NAM CỔ NHẤT
Năm 1435, thực hiện cố mệnh của Lê Thái Tổ, Nguyễn Trãi được triều
đình tiến cử vào tòa Kinh Diên "hầu dạy" vua. Để ông vua thiếu niên hiểu
được tình hình đất nước, Nguyễn Trãi đã viết "giáo trình" Dư địa chí bằng