Chương IV
Câu chuyện này diễn ra vào một Kỷ nguyên thế sự vẫn rối ren. Không
hiếm khi người ta bắt gặp danh nghĩa, tư tưởng, hình thái, cơ chế
không tương ứng gì với tính hiện hữu. Mặt khác, thế gian đã đầy ắp
sự vật, năng lực, và những con người không danh hiệu cũng chẳng kỳ
tích xuất chúng. Đó là cái thời khi ý chí và lòng kiên gan trong việc
hiện hữu, để lại dấu ấn, cọ xát với tất cả những gì hiện diện đã không
được vận dụng trọn vẹn, bởi vì nhiều người đã không phản ứng gì –
do khốn khó, do u minh, hoặc do dù có thế nào họ cũng không sao –
thế nên một số những tính cách ấy đã bị mai một vào hư không. Rồi
cũng có thể tới một lúc nào đó, cái ý chí, cái ý thức tự thân ấy, vốn hết
sức tan loãng, đã tụ lại, kết đóng với nhau, như thể các hạt bụi nước
không thể nhận thấy tụ lại thành các cụm mây, và cái mối tụ đóng ấy,
do tình cờ hay do bản năng, bắt gặp một danh hiệu, một dòng tộc –
như hồi đó thường còn để trống – một cấp bậc trong quân ngũ, một
tổng thể các nhiệm vụ để tiến hành cùng với các quy tắc đã xác lập –
và nhất là – một bộ áo giáp trống rỗng, không có nó, với thời gian
như nước chảy qua cầu, ngay cả một kẻ hiện hữu cũng có cơ bị biến
mất, huống chi một kẻ không hiện hữu… Thế là Agilulfo nhà
Guildiverni đã khởi sự hoạt động và săn tìm vinh quang.
Tôi, Xơ Teodora, nữ tu dòng Thánh Columba, là người kể chuyện
này. Tôi viết nó trong tu viện, suy ra từ những thư tịch để lại, từ
những câu chuyện phiếm nghe được ở phòng thăm viếng và từ một số
chứng nhân hiếm hoi. Là nữ tu, chúng tôi rất ít có cơ hội nói chuyện
với lính tráng, thế nên những gì không biết, tôi cố gắng tưởng tượng,
nếu không thế, thì biết làm sao? Và không phải tôi đã rõ mọi thứ
trong câu chuyện. Các bạn cần thông cảm: dù thuộc tầng lớp quý tộc,
nhưng chúng tôi là những cô gái ở nông thôn, trước giờ sống thu
mình trong những tòa lâu đài hẻo lánh, và sau đó, tại các tu viện;
ngoài các mục vụ tôn giáo, Kỳ cầu nguyện ba ngày, Tuần chín ngày