Một hôm tình cờ đọc bài báo viết về những con giống này, tôi tìm ngay tới
hỏi người viết bài về tác giả những con giống. Nhưng ông ta không biết gì
hơn tôi cả. Thậm chí còn kém hơn tôi. Những người mang hàng tới họ khéo
giấu. Nhưng rồi tôi cũng bí mật theo được vết chân của chú bé đưa hàng.
Ngoài ra còn có một cô gái nữa. Đấy, tôi cũng học làm thám tử được đấy
chứ. Song có một điều làm tôi còn nghi ngờ là thằng cháu đã vô hình để
làm những việc lớn lao phi thường tại sao lại còn tỉ mẩn làm những công
việc này...
Như đỉa chạm phải vôi, sợ ông cụ kéo dài mãi vào chuyện tôi không
muốn nghe ai nhắc tới nữa, tôi cắt ngang và lái câu chuyện sang một hướng
khác:
- Cháu muốn biết tại sao bác lại đoán được tụi cháu đi tìm và mong gặp
bác.
- A... tôi đoán là chỉ cần một năm các cậu cũng đủ thời gian để thí
nghiệm sự vô hình của mình. Còn tôi thì cũng đã đủ cơ sở để đi tới kết thúc
công trình thể nghiệm của tôi. May quá cái dạo gặp lại cậu lần thứ 2 ở ngay
nhà tôi, suýt nữa tôi đã định viết lại toàn bộ thiên khảo luận dày ngót 20
tập... Nhưng khi các cậu đi rồi, tôi hồi tỉnh lại và kiên nhẫn chờ. Tôi nghĩ,
cái gì cũng cần phải có thời gian. Rất tiếc hôm nay, tôi không mang theo, vì
toàn bộ bản thảo nặng gần năm chục cân. Cậu không biết chứ, cậu có công
rất lớn trong công trình nghiên cứu này. Lẽ ra cậu phải là đồng tác giả mới
đúng. Hôm nào mời cậu tới nhà xem...
Thôi lạy cụ. Có hình rồi con còn biết bao nhiêu việc khác đáng làm hơn.
Ý nghĩ này chợt kéo tôi trở lại mục đích quan trọng của cuộc gặp gỡ:
- Hôm nay... bác có mang cho tụi cháu... thuốc... hiện hình chứ. Tôi hỏi,
giọng run run mà lòng thì không dám chờ nghe câu trả lời của ông cụ đang
đứng trước mặt. Tôi sợ phải nghe lời phán quyết cuối cùng. Ôi, cụ hãy tìm
một cách nói dễ chịu nhất, dẫu có đánh lừa trẻ con cũng được. Xưa nay
người ta vẫn dùng đường để bọc những viên thuốc đắng cho cả người lớn
dùng nữa đấy! Cháu thề không trách cụ đâu.