và phải “đẩy” vào đâu. Mỗi chương sách sẽ mô tả cách tìm kiếm nhằm phát
hiện những vấn đề nổi cộm, và chỉ ra cách khắc phục. Chúng tôi bắt đầu từ
những khía cạnh thiết yếu của cuộc sống gia đình: người nghèo mua cái gì,
họ làm gì để giải quyết vấn đề học hành của con cái, sức khỏe của bản thân,
con cái hoặc cha mẹ họ; họ muốn có bao nhiêu đứa con v.v... Tiếp đó chúng
tôi sẽ giải thích bằng cách nào thị trường và các thể chế tác động tới người
nghèo; Liệu họ có thể vay mượn, tự cứu mình, và đảm bảo cuộc sống trước
những nguy cơ mà họ phải đối mặt? Chính phủ có thể làm gì, và khi nào thì
chính phủ không giúp được gì cho họ. Xuyên suốt cuốn sách, nhiều vấn đề
cơ bản sẽ được lật đi lật lại. Có cách nào để người nghèo tự cải thiện cuộc
sống không, và điều gì đang ngăn trở họ làm việc đó? Phải chăng bắt đầu sẽ
tốn kém hơn, hay bắt đầu thì dễ mà duy trì mới khó? Sao có thể tốn kém như
vậy? Liệu người ta có nhận biết được cốt lõi của an sinh phúc lợi không?
Nếu không, thì vì sao họ gặp khó khăn khi tìm hiểu về điều đó?
Thông qua Hiểu nghèo thoát nghèo, cuộc sống của người nghèo và những
lựa chọn mà họ phải đối mặt sẽ cho chúng ta biết cách đấu tranh chống đói
nghèo trên thế giới. Nó giúp chúng ta hiểu, chẳng hạn như tại sao tài chính
vi mô lại hữu ích dù không hề là phép màu như một số người vẫn nghĩ; tại
sao người nghèo thường lựa chọn cách chăm sóc sức khỏe hại nhiều hơn lợi;
tại sao nhiều trẻ con nhà nghèo đi học hết năm này sang năm khác nhưng
vẫn không tiếp thu được gì; tại sao người nghèo không muốn có bảo hiểm y
tế. Và nó cũng phần nào cho thấy tại sao nhiều giải pháp được cho là thần kỳ
trước đây nay đều thất bại. Cuốn sách này cũng sẽ nói nhiều về những điều
người ta hy vọng: tại sao trợ cấp về mặt danh nghĩa có thể đem lại hiệu quả
thực sự; làm thế nào để bảo đảm thị trường tốt hơn; tại sao nguyên tắc “càng
ít càng tốt” có thể đúng trong giáo dục; tại sao việc làm tốt quan trọng đối
với tăng trưởng. Và quan trọng nhất, nó làm sáng tỏ tại sao cần phải hy vọng
và không ngừng học hỏi, tại sao phải tiếp tục cố gắng mỗi khi thách thức
tưởng như quá sức chịu đựng. Thành công không phải lúc nào cũng xa xôi
như ta tưởng.