HIỂU NGHÈO THOÁT NGHÈO - Trang 8

Quay trở lại văn phòng, nhớ lại những câu chuyện này khi phân tích dữ liệu,
chúng tôi vừa phấn khởi vừa bối rối, cố gắng khớp điều mắt thấy tai nghe
vào những mô hình đơn giản mà các nhà kinh tế học phát triển và các
chuyên gia chính sách (thường là phương Tây hoặc được đào tạo ở phương
Tây) vẫn hay nghĩ về cuộc sống của người nghèo. Thông thường khi tìm
được bằng chứng xác đáng, chúng tôi sẽ đánh giá lại hoặc thậm chí loại bỏ
những học thuyết hiện có. Tuy nhiên, chúng tôi cố gắng tìm hiểu chính xác
tại sao những học thuyết đó thất bại, và cần điều chỉnh ra sao để những học
thuyết đó mô tả thế giới này đúng đắn hơn. Quyển sách này ra đời từ những
điều chỉnh đó, là nỗ lực của chúng tôi nhằm xâu chuỗi một câu chuyện hợp
lý về cuộc sống của người nghèo.

Chúng tôi đặc biệt quan tâm đến những người bần cùng trên thế giới. Tại 50
quốc gia mà hầu hết người nghèo tập trung sinh sống, chuẩn nghèo bình
quân là 16 rupi Ấn Độ mỗi người mỗi ngày.

[2]

Theo đánh giá của chính phủ

các nước, những người sống dưới mức tối thiểu đó được gọi là nghèo. Nếu
quy đổi theo tỉ giá hối đoái hiện hành, 16 rupi tương đương với 36 xu Mỹ.
Nhưng vì vật giá ở hầu hết các nước đang phát triển đều rẻ hơn, do đó nếu
tính theo giá ở Mỹ, thì người nghèo cần nhiều tiền hơn để mua những món
tương đương tại Ấn Độ, cụ thể là 99 xu. Do vậy, để hình dung cuộc sống của
người nghèo, ta phải tưởng tượng mình sống ở Miami hay Modesto với 99
xu mỗi ngày cho hầu hết các nhu cầu thiết yếu (không tính chi phí nhà cửa).
Điều này không dễ dàng - chẳng hạn như ở Ấn Độ với số tiền tương đương,
người ta có thể mua được 15 trái chuối nhỏ hay gần 1,5 ký gạo xấu. Liệu có
thể sống với chỉ chừng đó tiền? Trên toàn thế giới vào năm 2005, 865 triệu
người (13% dân số thế giới) phải sống trong tình cảnh đó.

Điều ngạc nhiên là người nghèo chẳng có gì khác biệt. Họ cũng có những
khát khao và hạn chế như chúng ta; và cũng biết suy xét như bất kỳ ai. Họ
hầu như chẳng có gì, chính điều này khiến người nghèo cẩn trọng hơn mỗi
khi đưa ra quyết định. Họ phải xoay xở rất khéo với tiền bạc chỉ để tiếp tục
tồn tại. Nhưng cuộc sống của họ và chúng ta như nước sông với nước giếng.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.