Điều khác biệt ở đây ắt hẳn có liên quan đến những khía cạnh cuộc sống mà
ta luôn cho là chuyện đương nhiên và hầu như chẳng bao giờ nghĩ đến.
Sống với 99 xu mỗi ngày đồng nghĩa với việc tiếp cận thông tin bị hạn chế -
báo chí, tivi, và sách vở đều mất tiền mua - và do đó thường người ta sẽ
không được biết những điều mà phần còn lại của thế giới nghiễm nhiên biết
tới, chẳng hạn vắc xin có thể phòng bệnh sởi cho trẻ em. Việc này chẳng
khác gì sống trong một thế giới không dành cho mình. Đa số người nghèo
không có lương, chứ chưa nói tới chế độ hưu trí được trích ra từ khoản
lương đó. Họ phải quyết định chuyện giấy tờ phức tạp mà không thể suy xét
cẩn thận, vì ngay cả chữ i tờ còn chưa đọc sõi. Người ta có thể làm được gì
với thẻ bảo hiểm y tế vốn không đủ chi trả cho những căn bệnh mà họ thậm
chí không thể gọi tên? Người ta vẫn đi bầu cử mặc dù kinh nghiệm cho thấy
hệ thống chính trị không gì ngoài những hứa hẹn không bao giờ thành hiện
thực. Họ cũng chẳng có nơi nào an toàn để cất tiền, vì phí dịch vụ gửi tiết
kiệm ở ngân hàng thậm chí nhiều hơn lãi tiền gửi.
Tất cả đều cho thấy người nghèo cần nhiều kỹ năng, bản lĩnh và phải kiên
định hơn mới phát huy năng lực và đảm bảo cuộc sống cho gia đình mình.
Trong khi đó, những chi phí lặt vặt, rào cản và sơ suất nhỏ nhặt mà hầu hết
chúng ta hay bỏ qua lại có tác động không hề nhỏ tới cuộc sống của họ.
Không dễ thoát nghèo, nhưng nếu cứ tin tưởng vào điều có thể và sự giúp đỡ
có định hướng rõ ràng (một chút thông tin, một cú huých) đôi khi lại có tác
dụng to lớn ngoài mong đợi. Ngược lại, nếu đặt kỳ vọng nhầm chỗ hay
không đủ lòng tin khi cần, có thể ta sẽ không vượt qua được những rào cản
tưởng chừng như nhỏ bé. Sử dụng đúng đòn bẩy sẽ mang lại những thay đổi
to lớn, nhưng rất khó biết được đòn bẩy đó nằm ở đâu. Và trên hết là chẳng
có một đòn bẩy nào có thể giải quyết được mọi vấn đề.
Hiểu nghèo thoát nghèo là cuốn sách về ngành kinh tế học có nội dung
phong phú, ra đời từ những hiểu biết sâu sắc về đời sống kinh tế của người
nghèo. Đây là cuốn sách tập hợp nhiều kiểu học thuyết, cho biết không chỉ
những gì người nghèo có thể đạt được, mà còn vì sao họ cần được thúc đẩy,