LỜI GIỚI THIỆU
GS. NGÔ BẢO CHÂU
A
bhijit Banerjee và Esther Duflo là những người tiên phong trong việc sử
dụng phương pháp thử nghiệm đối chứng ngẫu nhiên vào kinh tế học phát
triển. Thông thường, phương pháp này được dùng trong y học để đo tác
dụng của thuốc. Những thử nghiệm của họ đã đem đến những câu trả lời, đôi
khi bất ngờ, cho những câu hỏi cụ thể, ví dụ như: tài chính vi mô có thực sự
là liêu thuốc thần kỳ giúp người nghèo thoát nghèo hay không; người nghèo
ở châu Phi không dùng màn tẩm thuốc chống côn trùng có phải vì màn được
phát miễn phí hay không; năng suất lao động của người nghèo bị hạn chế có
phải vì họ đói hay không? Thay vì chỉ dựa vào hệ thống lý luận của kinh tế
vĩ mô, Banerjee và Duflo cho rằng rất cần đo đạc tính hiệu quả của các
chính sách cụ thể thông qua thử nghiệm đối chứng ngẫu nhiên.
Những quan sát, thử nghiệm, nghiên cứu của Banerjee và Duflo đang làm
thay đổi sâu sắc quan niệm trong chính sách giúp người nghèo thoát nghèo
của các tổ chức quốc tế về hỗ trợ. Những phát hiện của họ có ảnh hưởng lên
chính sách hỗ trợ phát triển của chính phủ Mỹ, và của những quỹ từ thiện
lớn trong đó có Bill and Melinda Gates Foundation.
Cuốn sách Hiểu nghèo thoát nghèo mô tả lại một số nghiên cứu và thử
nghiệm của Banerjee và Duflo. Phần đầu của cuốn sách thuật lại câu chuyện
về những con người cụ thể trong những tình huống cụ thể. Người nghèo
thực sự nghĩ như thế nào và và lựa chọn của họ ảnh hưởng như thế nào đến
thành công, thất bại của các chính sách xóa đói giảm nghèo. Phần cuối của
cuốn sách, các tác giả đưa ra một số đề xuất cụ thể mà theo họ có ảnh hưởng
tích cực nhất.