LỜI GIỚI THIỆU
PHÓ GIÁO SƯ KINH TẾ HỌC ĐỖ
QUỐC ANH
Học viện Khoa học Chính trị Sciences Po, Paris, Pháp
Tôi xin bắt đầu bằng thông điệp duy nhất: Cuốn sách Poor Economics (Hiểu
nghèo thoát nghèo) mà bạn đang cầm trên tay thực sự đáng đọc kỹ, rất kỹ,
nếu bạn quan tâm đến một trong những câu hỏi này: Tại sao vẫn còn nhiều
người nghèo trên thế giới đến như vậy? Những biện pháp nào có thể giúp họ
bớt nghèo? Và đặc biệt là, những biện pháp nào vốn dĩ nhằm để giúp người
nghèo, nhưng lại không có ích, hoặc làm hại nhiều hơn là giúp họ?
Tại sao nên đọc cuốn sách này? Tại sao nên đọc kỹ? Muốn hiểu được vai trò
của cuốn sách, tốt nhất là nên đặt nó vào tổng thể thế giới của chính sách
thoát nghèo. Các nước lớn từ lâu đã quan tâm đặc biệt đến việc giảm nghèo
trên toàn cầu, điển hình là những chính sách viện trợ hàng loạt cho các nước
đang phát triển, qua kênh trực tiếp, hoặc qua các tổ chức quốc tế hay phi
chính phủ. Quan điểm này xuất phát từ cách hiểu về kinh tế phát triển tương
đối thô sơ của những năm 1950, rằng điểm mấu chốt của phát triển nằm ở sự
thiếu hụt về vốn, về đầu tư. Đến nay, quan điểm này vẫn còn rất có ảnh
hưởng, ví dụ như trong chương trình vận động các nước giàu xóa nợ và viện
trợ thêm nhiều lần cho các nước nghèo mà GS. Jeffrey Sachs ở Đại học
Columbia (New York) dẫn đầu và giải thích cụ thể trong cuốn The End of
Poverty (2005). Sách có ảnh hưởng lớn đến nhiều tổ chức vận động chính
sách.
Nhưng thực tế là viện trợ thường không đưa lại kết quả khả quan. GS.
William Easterly ở Đại học New York đã tổng kết những vấn đề mấu chốt
khó giải quyết được của các chính sách viện trợ, nhất là về đầu tư, trong