trên, suy nghĩ tiếp theo của chúng ta thường sẽ là: “Chẳng ích gì đâu, đóng
góp của chúng ta chỉ như muối bỏ bể, mà bể thì mênh mông.” Cuốn sách
này là lời kêu gọi chúng ta hãy nghĩ nữa, nghĩ nữa đi: để thoát khỏi cảm giác
cuộc chiến chống đói nghèo là cuộc chiến quá sức, và để bắt đầu coi những
thách thức đói nghèo như tập hợp gồm những vấn đề rất cụ thể, mà nếu được
nhìn nhận và hiểu đúng đắn, thì có thể sẽ được lần lượt giải quyết.
Rất tiếc đây không phải là cách mà người ta thường tranh luận về đề tài đói
nghèo. Thay vì thảo luận làm sao để phòng chống tốt nhất bệnh tiêu chảy
hay sốt xuất huyết, đa phần các chuyên gia có tiếng nói lại có chiều hướng
tập trung vào những “câu hỏi lớn”: Đâu là nguyên nhân cơ bản của tình
trạng đói nghèo? Cần đặt bao nhiêu lòng tin vào các thị trường tự do? Dân
chủ có ích lợi gì cho người nghèo? Liệu viện trợ nước ngoài có đóng vai trò
gì không? Và còn nhiều nữa.
Jeffrey Sachs, chuyên viên tư vấn Liên Hiệp Quốc, giám đốc Viện Trái đất
tại Đại học Columbia thành phố New York, đồng thời cũng là một chuyên
gia trong lĩnh vực, đưa ra câu trả lời cho tất cả những câu hỏi này: Sở dĩ
những nước nghèo ở trong tình trạng hiện tại là do khí hậu nóng, đất đai cằn
cỗi, dịch sốt rét lây lan, và thường nằm sâu trong đất liền; điều này khiến
những quốc gia này khó mà đạt năng suất cao nếu không nhận được đầu tư
ban đầu lớn để giải quyết những vấn đề vốn có. Nhưng những quốc gia này
lại không thể thanh toán được các khoản vay đầu tư đúng hẹn vì họ nghèo -
thế là họ rơi vào tình trạng mà các nhà kinh tế học gọi là “bẫy nghèo”. Nếu
những vấn đề này không được giải quyết, thì dù áp dụng cơ chế thị trường tự
do hay dân chủ cũng không giúp ích gì nhiều cho họ. Đây là lý do tại sao
viện trợ nước ngoài là chìa khóa: Nó có thể khởi động một chu kỳ tích cực
bằng cách giúp các nước nghèo đầu tư vào những lĩnh vực trọng yếu và đem
lại lợi nhuận. Từ đó thu nhập cao hơn sẽ tạo ra nhiều đầu tư hơn nữa; vòng
xoay lợi ích cứ thế tiếp diễn. Trong cuốn sách bán chạy nhất năm 2005 của
mình, The End of Poverty
Sachs đưa ra luận điểm rằng nếu phần giàu
có của thế giới chấp nhận cấp viện trợ 195 tỉ đô la mỗi năm trong giai đoạn