Khi tôi chào đời, năm 1930, chỉ có một trong số năm người được chẩn
đoán bị ung thư sống được quá 3 năm. Cho đến những năm 1940, con số là
một trong bốn. Kết quả của năng lực nghiên cứu y sinh học hiện đại bắt đầu
thể hiện vào những năm 1960, khi tỉ lệ những người sống sót đạt tới 1/3. Ở
thời điểm hiện tại, 40% bệnh nhân ung thư sống sót sau 5 năm điều trị; tính
đến cả những người tử vong vì một vài nguyên nhân không liên quan như bị
bệnh tim hoặc đột quỵ, ít nhất có 30% kéo dài được ít nhất là chừng đó thời
gian. Rất nhiều người biết rằng những người đạt tới mốc 5 năm không bị
bệnh đối mặt với một tỉ lệ giảm xuống rõ rệt của việc tái phát chính khối u
ác tính đó. Gần như toàn bộ sự tiến triển đạt được là nhờ vào sự kết hợp của
việc chẩn đoán sớm hơn và phương pháp điều trị đã được cải thiện do các
yếu tố được liệt kê ở trên đem lại. Phương pháp điều trị được cải thiện và
khả năng thành công của các cách tiếp cận không ngừng cải tiến với căn
bệnh đã ở giai đoạn sau đem lại hy vọng cho các bệnh nhân ung thư ngày
nay. Nghịch lý thay, và thỉnh thoảng là bi kịch nữa, hy vọng đó lại chính là
thứ dẫn tới những tình thế tiến thoái lưỡng nan nhiều sai lầm nhất mà các
bệnh nhân và các bác sĩ của họ buộc phải đối mặt ngày nay.
Trong sự nghiệp khám chữa bệnh của tôi, có một giai đoạn mà sự kỳ vọng
thực tế lần đầu được cảm nhận trong cộng đồng những người làm khoa học
rằng căn bệnh ác tính tỏ ra có thể phục tùng việc điều trị dựa trên hiểu biết
về sinh vật học tế bào chứ không chỉ là phương pháp phẫu thuật cũ kỹ. Khi
càng có nhiều điều được khám phá về tế bào ung thư, những cách thức mới
và ngày càng hiệu quả đã được phát triển để chống lại sự tàn phá không
kiểm soát được của nó. Cùng tinh thần lạc quan phát sinh từ những thành
công trong việc chữa bệnh, một sự kiêu căng tự mãn nảy sinh, đôi khi đến
mức vô lý; có câu triết lý nói rằng, việc điều trị phải được theo đuổi cho tới
khi sự vô ích được chứng minh, hoặc ít nhất cũng được chứng minh với sự
thỏa mãn của bác sĩ.
Tuy nhiên, ranh giới của sự vô ích trong y học chưa bao giờ rõ ràng, và có
thể sẽ là quá đáng nếu kỳ vọng rằng chúng sẽ được như vậy. Có lẽ vì lý do
này mà trong giới bác sĩ đã nảy sinh một niềm tin – còn hơn cả một niềm tin
thuần túy, giờ đây nhiều người cảm thấy nó là một trách nhiệm – rằng nếu