Nam Tư và Bỉ đều hãnh diện về sự đoàn kết, chúng tôi lại hư hỏng, và
nhiều người lại sẵn sàng chấp nhận những nguy cơ tệ hại nhất. Chính các sĩ
quan Ba-Lan lại khóc cho sự thất trận của chúng tôi, và chính người Nam
Tư lại nhắc cho chúng tôi nhớ là chúng tôi có bản quốc ca và phải hát quốc
ca ngày 14 tháng 7, mặc dù cho có bị nhốt sau hàng rào kẽm gai đi nữa.
Vào thời đó không mấy ai trong chúng tôi tin ở chiến thắng sau cùng của
Đồng Minh. Về sau các nhóm thân Pétain được tổ chức tại khắp các trại
giam Đức và đã phát triển đến độ quân Đức đâu đâu cũng hết sức hài lòng.
Và những ai chuẩn bị vượt ngục cũng phải đề phòng người bạn tù của mình.
Ngay cả khi bị tù đầy, chúng tôi cũng vẫn chia rẽ và không có gì ngạc nhiên
khi thấy một huyền thoại về sự xuống dốc của Pháp đã thành hình trong đầu
óc của rất đông bạn tù ngoại quốc của chúng tôi.
Và bây giờ đến lượt những thanh niên nông dân Nga không ngừng hỏi tôi
về nguyên nhân của tình trạng thê thảm đó. Làm sao mà một nước như
nước Pháp, với cả một phòng tuyến Maginot và quân lực, lại có thể bị đánh
bại trong ba tuần lễ? Họ không hiểu và tôi cố gắng giải thích rằng sự phản
bội có thể hạ gục những người khỏe mạnh nhất.
- Chính những nhà điếm đã làm xứ anh sụp đổ, - Léonide nói với tôi, anh
ta là người lãnh đạo đám thanh niên Nga. - Hình như Ba-lê là nơi có nhiều ổ
điếm nhất.
Và khi tôi nói với anh ta về phong trào kháng chiến chống xâm lăng của
chúng tôi, anh ta vẫn không tha:
- Nói cho tôi nghe có nước nào mà một bộ phận lớn như vậy lại hợp tác
với địch như thế không: Các anh có một ông tướng ở Luân-đôn, nhưng
chính một ông Thống chế lại đi với Hitler, và cùng với ông ta là cả một
chính phủ, và không phải gồm toàn vô danh tiểu tốt đâu nhé! Các anh đã là
một dân tộc lớn, nhưng nay chỉ còn là một Quốc gia nhỏ bé.
Người ta dù tôn trọng kẻ mạnh ngoài ra đều không đáng kể, và ngay
trong cùng thẳm của một trại tập trung, chúng tôi phải trả giá cho nỗi ô
nhục của năm 1940. Là con dân của một xử đang trên đường đi đến một