nó, các đấng công chức, tôi thu thập được một số kinh nghiệm, và sau cùng
tôi cũng bị lôi cuốn vào trong không khí chằng chịt những quyền hạn và
thẩm quyền. Sự thật đã bắt buộc tôi phải thú nhận rằng Karl Radl, lúc đó là
sĩ quan tuỳ viên của tôi, đã hạ tôi rất xa và trở thành một tay cừ khôi trong
nghệ thuật khó khăn này.
Tôi đã nhìn rất rộng khi thiết lập chương trình huấn luyện. Tôi muốn cung
ứng cho đơn vị mới của tôi một sự giáo huấn càng hoàn hảo càng tốt để có
thể được sử dụng bất cứ lúc nào và vào bất cứ sứ mạng gì. Vì thế mỗi
người trước hết được huấn luyện theo chương trình bộ binh và công binh
thường lệ, sau đó phải làm quen với cách vận dụng súng phóng lựu, đại bác
dã chiến, thiết giáp xa. Lẽ tất nhiên tất cả mọi người đều phải học lái,
không những xe gắn máy và xe hơi, mà còn cả xuồng máy và đầu tàu hoả.
Tôi dành cho thể thao một vị trí quan trọng trong chương trình huấn luyện,
nhất là bơi lội. Ngoài ra, chúng tôi cũng tổ chức khoá huấn luyện nhảy dù
cấp tốc.
Cũng trong thời gian đó, các lớp học chuyên môn đang sửa soạn cho những
người được lựa chọn sẵn sàng thi hành các sứ mạng đã được chỉ định,
chương trình của những lớp này gồm có: học một số ngoại ngữ, và chiến
thuật tổng quát để tấn công các cơ sở kỹ nghệ của quân thù. Vào thời đó,
một mặt tôi coi việc chiến đấu chống Nga Sô là nhiệm vụ chính, mặt khác
tấn công các vị trí của Anh, Mỹ trong vùng Cận Đông. Rõ ràng là tôi không
ý thức được rằng lúc đó đã là năm 1943, năm thứ tư của cuộc chiến. Có lẽ
tiềm thức tôi đã xua đuổi ý nghĩ này để chỉ tập trung tư tưởng vào hiện tại,
để ít ra cũng cố đạt các kết quả còn có thể đạt được. Tôi lập đi lập lại không
ngừng rằng từ ngữ “quá muộn” không thể có trong ngôn ngữ của quân
nhân. Không bao giờ quá trễ để tổ chức một chiến dịch quan trọng. Thời
gian càng hạn chế, chúng tôi càng phải chuẩn bị nhanh hơn… tất cả chỉ có
thế.