về tuyên truyền - càng đơn giản càng tốt, đã cố tình tạo ra một thứ chủ
nghĩa Marx phổ thông hay “bình dân” mà người dân Việt Nam có thể hiểu
được trong bối cảnh riêng. Mặc dù chưa thể hiện rõ sự am hiểu của ông đối
với học thuyết Marxist, nhưng cuốn sách là một công cụ hữu hiệu để giới
thiệu chủ nghĩa Marx - Lenin cho những người mới học.
Trong những năm sống ở Moscow, Nguyễn Ái Quốc bầy tỏ niềm tin,
nông dân Việt Nam cũng như ở châu Phi và châu Á, nạn nhân chính của
chủ nghĩa thuộc địa phương Tây. Như vậy, đương nhiên sẽ liên minh chặt
chẽ với giai cấp công nhân. Trong cuốn sách, ông đã nêu lên sự ủng hộ của
nông dân sẽ là điều kiện tiên quyết cho thắng lợi. Ông giải thích quan điểm
của mình theo cách hiểu chính thống của chủ nghĩa Lenin, ngay cả dù
đường lối chính thức của Moscow từ lâu đã không phải như vậy. Dù sao
chăng nữa, Nguyễn Ái Quốc chẳng quan tâm đến vấn đề lý thuyết. Nhận
xét của ông trong cuốn “Đường Kách Mệnh” có thể đơn giản là nhằm mục
đích làm rõ hơn các lời bình luận ông đã đưa ra ở Moscow vài năm trước
đây.
Tuy vậy, nhấn mạnh vai trò của nông dân, Nguyễn Ái Quốc đã có một
bước tiến dài trong phát triển phong trào cách mạng Việt Nam. Các nhà
lãnh đạo và các nhóm dân tộc chủ nghĩa khác chỉ nói đãi bôi về vai trò của
quần chúng nông dân trong cuộc đấu tranh giải phóng của nhân dân Việt
Nam. Phan Bội Châu đã nêu lên mong muốn có được sự ủng hộ của nông
dân, nhưng lời kêu gọi của Phan Bội Châu lại chung chung và không có
bước đi cụ thể nào để biến nó thành hiện thực. Bằng việc nói lên quyết tâm
của mình tập trung chú ý vào quần chúng ở nông thôn, Nguyễn Ái Quốc đã
cố gắng cảnh tỉnh đồng bào cũng như các nhà cách mạng trên toàn thế giới
thuộc địa về tầm quan trọng của nông thôn trong cuộc cách mạng sắp tới ở
châu Á.
Trong vòng một vài tháng sau khi đến Quảng Châu, Nguyễn Ái Quốc
tuyển được một nhóm những người cấp tiến trẻ tuổi có thể lãnh đạo phong
trào kháng chiến dân tộc mới và mạnh mẽ trong tương lai. Từ vị trí thuận
lợi ở nam Trung Hoa nhìn vào Việt Nam, tình hình có vẻ như khả quan.