dàng. Hầu hết những người lãnh đạo đảng bị bắt. Mười ba trong số những
người cầm đầu bị xử tử ngày 17 6-1930.
Cuộc khởi nghĩa thất bại thảm hại. Không có kế hoạch phát động nhân
dân nổi dậy, lại không có biện pháp rút lui khi thất bại. Thông tin liên lạc bị
phá vỡ bất ngờ ở phút cuối cùng, đến nỗi gần như không có sự phối hợp
nào giữa những người cầm đầu nổi dậy với nhau tại những đồn bốt trong
vùng. Điều tệ hại nhất là cuộc khởi nghĩa chỉ được hưởng ứng yếu ớt trong
nước, những đảng viên trốn thoát, vượt biên giới chạy sang Trung Hoa, ở
đây họ lại chia thành hai phái - phái quyết tâm với chiến lược bạo động ban
đầu - phái kia thiên về chủ trương cải cách. Chỉ sau một thời gian ngắn,
người Pháp có thể thở phào nhẹ nhõm và yên tâm.
Nếu nói không có sự hưởng ứng của quần chúng đối với cuộc binh biến
Yên Bái là không đúng, vì sự bất mãn trong dân chúng ở Đông Dương
ngày càng tăng. Những dấu hiệu sơ bộ cho thấy hoạt động của học sinh
sinh viên ở những thành phố lớn thời kỳ giữa thập niên 1920 đang gia tăng.
Dù số học sinh sinh viên tăng đều đặn hàng năm (năm 1930, có khoảng
7.000 trường công thu hút tổng cộng hơn 340.000 học sinh), nhưng sự bất
bình của thanh niên Việt Nam đã tăng lên do nhiều yếu tố thay đổi, kể cả
vấn đề không có cơ hội được học lên cao. Phần lớn học sinh theo học
trường tiểu học ở thôn quê. Không quá 5.000 học sinh theo học bậc trung
học và chỉ khoảng 500 sinh viên học tại các trường Đại học Hà Nội, trường
dạy kiến thức cao duy nhất ở Đông Dương. Sinh viên cũng nản lòng vì
thiếu những cơ hội kiếm được công việc hấp dẫn sau khi tốt nghiệp. Trên
thực tế, trong nhiều ngành nghề, người Việt được trả lương ít hơn người
châu Âu cùng làm công việc tương tự. Vấn đề nhậy cảm như thế chắc chắn
làm tăng thêm phản ứng của nhân dân ba miền chống lại sự thống trị của
người nước ngoài.
Sau khi những hoạt động tuyên truyền tích cực của học sinh sinh viên
giữa thập niên 1920 đi vào thoái trào thì làn sóng mới bất mãn của công
nhân lại nảy sinh. Do vốn đầu tư của tư bản Pháp gia tăng, thương mại và
các cơ sở sản xuất đã phát triển mạnh ở Đông Dương, đặc biệt từ khi kết