CHƯƠNG
1
THỜI KỲ MẤT NƯỚC
T
rong khi những người chiến sĩ của ông hân hoan trên đường phố ăn
mừng chiến thắng hay tiếp quản những cơ sở của quân địch thì ông lặng lẽ
vào thành phố, không kèn không trống, sống tại toà nhà bình dân hai tầng
trong khu thương mại phố Tàu. Ông ở đó vài ngày, cách biệt với bên ngoài,
hối hả làm việc với chiếc máy chữ cũ rích mà ông thường đem bên mình
trong suốt hơn một thập niên đi đây đó từ Moscow đến miền nam Trung
Hoa và sau cùng trở về quê hương trong những tuần đầu của năm 1941, nơi
ba muơi năm trước ông đã ra đi.
Cuối tháng ông viết xong bài diễn văn dự định sẽ đọc trước đồng bào của
mình, tuyên bố sự ra đời của một quốc gia mới. Ngay 2 giờ chiều ngày 2
tháng 9 năm 1945, ông đã có mặt trên lễ đài được dựng trên một khu đất
lớn sau này là Quảng trường Ba Đình - phía tây thành phố. Ông mặc bộ
quần áo ka-ki bạc mầu rộng so với thân hình gầy gò của mình và chân đi
dép cao su. Hàng nghìn người đã tập trung từ sáng sớm để nghe ông phát
biểu. Với giọng thanh cao xứ Nghệ, đặc trưng cho nơi ông sinh ra, ông
tuyên bố đất nước được độc lập và đọc bản Tuyên ngôn Độc Lập.
Đối với một vài người Mỹ tình cờ có mặt tại đó, những lời đầu tiên của
ông làm họ ngạc nhiên: “Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng.
Tạo hoá đã cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được: Trong