cử một phái đoàn tới cố đô Huế, cách Đà Nẵng 90 cây số về phía bắc, nhằm
thuyết phục vua Việt Nam mở cửa cho Pháp. Khi các cuộc thương thuyết
thất bại, chính phủ của Hoàng đế Louis Napoleon đã quyết định sử dụng
sức mạnh.
Đất nước khi mà các tàu chiến Pháp tấn công không xa lạ gì với chiến
tranh hay nạn ngoại xâm. Đúng vậy, rất ít dân tộc ở châu Á buộc phải chiến
đấu lâu dài và gian khổ như nhân dân Việt Nam để bảo vệ bản sắc của mình
là một quốc gia độc lập và tự chủ. Một thực tế nổi bật trong lịch sử Việt
Nam là cuộc đấu tranh lâu dài và gian khổ chống lại khuynh hướng bành
trướng của Trung Hoa, người láng giềng phương Bắc. Vào thế kỷ thứ hai
trước công nguyên khi nền cộng hoà La Mã còn mới phát triển, Đế chế
Trung Quốc đã xâm lược Việt Nam và tiến hành mạnh mẽ quá trình đồng
hoá về chính trị, văn hoá và kinh tế. Mặc dù nhân dân Việt Nam đã cố gắng
giành lại độc lập của mình vào thế kỷ thứ mười sau Công nguyên nhưng
phải hàng trăm năm sau các hoàng đế Trung Hoa mới chấp nhận Việt Nam
tồn tại độc lập; trên thực tế, điều này chỉ xảy ra sau khi Việt Nam miễn
cưỡng chấp nhận quan hệ chư hầu với các hoàng đế Trung Hoa.
Quan hệ kéo dài giữa Việt Nam và Trung Hoa đã để lại những hậu quả
triền miên. Hơn một thiên niên kỷ, thể chế chính trị, văn học, nghệ thuật,
âm nhạc, tôn giáo, triết học của Trung Hoa và thậm chí cả tiếng Hán đã
cắm rễ sâu trong đất Việt Nam. Kết quả là một Việt Nam “Khổng hoá” mà
đối với người tìm hiểu không kỹ là một Trung Hoa thu nhỏ, một “con rồng
nhỏ”, bản sao của người láng giềng phương Bắc hùng mạnh. Bản thân các
triều đại vua Việt Nam suy nghĩ như vậy, đã áp dụng cách ăn mặc giống hệt
tuy không được oai phong bệ vệ như Thiên Tử Trung Hoa. Chế độ tuyển
chọn nhân tài quan chức của Việt Nam dần dần theo khuôn mẫu của Trung
Hoa (ít ra trên lý thuyết) - dựa trên các cuộc kiểm tra ngặt nghèo về kiến
thức đạo Khổng. Nhiều thế hệ nam thanh niên Việt Nam học những cuốn
kinh thư mà các bạn của họ ở Trung Hoa được học, thường là học thuộc
lòng. Chị em gái của họ bị tục lệ Khổng giáo gia trưởng cứng nhắc không
cho theo đuổi con đường sự nghiệp - hay hầu hết các nghề nghiệp gì khác -