kéo dài với nước láng giềng phía nam, nước Champa có nền thương mại
phát triển. Cuối cùng người Việt Nam đã giành được lợi thế và vào thế kỷ
thứ 13 họ đã tiến mạnh về phía nam dọc theo bờ biển. Đến thế kỷ thứ 17,
Champa bị thôn tính và lãnh thổ nước Đại Việt được mở rộng tới bán đảo
Cà Mau trên vịnh Thái Lan. Những người định cư Việt Nam, phần lớn là
những người lính trước đây, di cư về phía Nam tạo ra các cộng đồng trồng
lúa nước mới trên mảnh đất phì nhiêu đồng bằng sông Cửu Long. Nước
Đại Việt đã trở thành một trong những quốc gia hùng mạnh ở lục địa Đông
Nam Á và vua của Việt Nam trong các mối quan hệ của mình với những
người thống trị láng giềng đã bắt đầu cho mình không chỉ là một vị vua mà
còn là một hoàng đế.
Tuy nhiên, thành công quân sự của Đại Việt cũng phải trả giá bởi việc
mở rộng lãnh thổ đã dẫn tới sự cách biệt ngày càng lớn về chính trị và văn
hoá giữa những người có lối suy nghĩ truyền thống ở các tỉnh tại đồng bằng
sông Hồng và những người di cư có tư duy độc lập hơn ở những vùng biên
giới phía nam mới giành được. Trong suốt hai thế kỷ, ở Việt Nam luôn xảy
ra các cuộc nội chiến giữa các giòng họ cầm quyền ở miền Bắc và miền
Nam. Vào đầu thế kỷ XIX, hậu duệ của giòng họ cai trị ở miền Nam là
Nguyễn Ánh đã thống nhất đất nước và lấy niên hiệu là Gia Long. Lúc đầu
triều đình nhà Nguyễn chỉ có ý định giải quyết hậu quả dai dẳng của cuộc
nội chiến, tuy nhiên đến giữa thế kỷ những rạn nứt địa phương bắt đầu gia
tăng do các khó khăn kinh tế như ruộng đất tập trung vào tay người giàu và
càng trở nên phức tạp hơn do sự cai trị yếu kém của triều đình Huế.
Nội chiến ở Việt Nam đã xảy ra vào thời kỳ quan trọng trong lịch sử
Đông Nam Á. Những đội tàu từ châu Âu tiếp bước nhà thám hiểm người
Bồ Đào Nha Vasco da Gama chạy dọc theo bờ biển Đông và vịnh Thái Lan
tìm kiếm đồ gia vị mới lạ, kim loại quý và những tâm hồn ngoại đạo để cứu
rỗi. Trong số những nước châu Âu quan tâm nhất tới khu vực này có người
Pháp và vào thế kỷ thứ XIX khi đối thủ kình định của họ là người Anh bắt
đầu củng cố vị trí ở Ấn Độ và Miến Điện, nhà cầm quyền Pháp đã hướng
con mắt thèm thuồng của mình vào Việt Nam.