này, làm sao anh có thể tính chuyện tập hợp quần chúng để chiến đấu
chống bọn thực dân và cứu dân tộc một khi anh trở về nước?”
Sống khép kín trong trường, Quốc không nhận thấy những thảm họa tàn
khốc của hàng triệu nhân dân Liên Xô ở nông thôn. Sinh viên tại Viện được
đối xử tốt hơn nhiều so với dân chúng. Họ được cung cấp quần áo, giầy
dép, sống trong buồng tương đối rộng rãi trong ký túc xá, được ăn uống đầy
đủ tại các nhà ăn tập thể miễn phí, ngoài ra còn được khám chữa bệnh, nghỉ
hè miễn phí ở Krym và 140 rúp tiêu vặt mỗi tháng.
Dù vậy, Nguyễn Ái Quốc rất cần nghỉ ngơi. Những người quen tại Viện
sau này nhớ lại, khi mới tới Moscow, trông ông hốc hác, còm nhom và ốm
yếu, có lẽ do hậu quả nhiều tháng bị tù ở Hong Kong. Tháng 9-1934, ông
tới Krym để chữa bệnh trong một viện điều dưỡng. Sau khi ở đó vài tuần lễ,
ông trở lại Moscow vào Đại học Lenin, một trường dành cho những cán bộ
cao cấp và ưu tú của các Đảng cộng sản anh em. Trường có hai khóa khác
nhau, chương trình ba năm và chương trình sáu tháng. Ông vào khoá học
sáu tháng với bí danh Lin - Linov theo tiếng Nga. Trong vài tháng sau đó,
ông tham dự những buổi lên lớp, dạy những khoá về đạo đức, viết báo,
đồng thời tiếp tục phân xử những vấn đề nảy sinh trong người Việt Nam tại
những viện khác nhau ở Văn phòng Viễn Đông.
Thông tin về đời tư của ông rất ít ỏi trong những tháng đầu tiên ở
Moscow. Lúc đầu, ông sống ở một phòng lớn với một nhóm cán bộ Trung
Quốc, nhưng sau đó ông phàn nàn không hiểu họ. Người ta chuyển ông
sang ở một phòng tập thể với các đồng chí nói tiếng Pháp. Dù vẫn còn yếu
và xanh xao, ông vẫn tham gia hoạt động xã hội, dự triển lãm nghệ thuật,
chương trình văn hoá và đều đặn đi thăm những nơi nổi tiếng của địa
phương, trong đó có nông trang tập thể ở Ryazan. Theo một nhà viết tiểu sử
Xô viết, ông tập thể dục hàng ngày để tăng cường sức lực cho thân hình
mảnh dẻ, có quả tạ và một dụng cụ tập nở ngực trong phòng ở.
Người ta thường nghĩ Nguyễn Ái Quốc biết cách xoay sở khôn khéo để
tránh tác động cơn lốc thanh trừng của Stalin làm rung chuyển Liên Xô
giữa thập niên 1930. Theo nhà văn Pháp, Jean Lacouture, Nguyễn Ái Quốc