thác. Mặt khác, nếu căng thẳng giữa Đồng Minh và Liên Xô tăng lên, có
thể khiến Mỹ và Anh quay sang ủng hộ Pháp, cho phép họ trở về Đông
Dương.
Trong hoàn cảnh này, Hồ Chí Minh đề xuất chia Đồng Minh thành hai
phần riêng biệt, hai chiến thuật khác nhau để ứng phó với từng bên. Ông
giải thích, đối với Pháp “Chúng ta phải tránh xung đột quân sự, nhưng khi
họ kéo tới, chúng ta cần phải lãnh đạo quần chúng biểu tình chống lại mưu
đồ của Pháp khôi phục quyền lực của họ ở Đông Dương”. Đối với Anh và
Tưởng, nên có cách thích hợp để tránh đụng độ với lực lượng của họ, phát
triển quan hệ hữu nghị với cả hai chính phủ, nhưng nếu họ xâm phạm chủ
quyền chính phủ lâm thời thì cần phải huy động quần chúng đòi độc lập
dân tộc. Đặc biệt, điều quan trọng phải tránh chiến đấu đơn độc, cái đó chỉ
có lợi cho Pháp và bọn tay sai bán nước mà thôi.
Dựa trên chính sách đó, chính phủ mới đã hết sức mềm dẻo với Tưởng.
Khi Tiêu Văn, người có thời bảo trợ Hồ Chí Minh, đến Hà Nội làm cố vấn
chính trị cho tướng Lư Hán, Hồ thận trọng bày tỏ khát khao chính phủ ông
cộng tác với chính quyền Trung Hoa. Để giảm thiểu nguy hiểm do những
đụng độ quân sự giữa những đơn vị quân đội Việt Nam và Trung Hoa, Việt
Nam Giải Phóng Quân được đổi tên thành Vệ Quốc Quân, quân đội của Võ
Nguyên Giáp rút ra khỏi Hà Nội, đồng thời cẩn thận bố trí lại các đơn vị
khác đóng ở thủ đô để tránh xung đột. Khi tướng Lư Hán đến Hà Nội ngày
14-9-1945, chính phủ không phản đối ông chiếm Phủ Toàn quyền từ tay
Pháp làm đại bản doanh. Thất thế, Sainteny và tuỳ tùng buộc phải chuyển
đến một biệt thự gần Ngân hàng Đông Dương, khi đó vẫn do Nhật chiếm.
Một khó khăn tiềm ẩn giữa chính phủ và quân Tưởng là đối xử như thế
nào đối với những chính khách quốc gia chủ nghĩa Việt Nam theo chân
quân Tưởng đến Hà Nội. Trên đường từ biên giới về Hà Nội, một số chính
khách đã âm mưu chiếm những trụ sở Uỷ ban Nhân dân Cách mạng địa
phương, nên chính phủ phải cử phái viên tới các tỉnh biên giới chỉ thị
những đơn vị quân đội địa phương và cán bộ chính quyền tránh va chạm
với đám người mới đến. Chân ướt chân ráo đến Hà Nội, Nguyễn Hải Thần